Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

RỒI CŨNG CÓ NGƯỜI GỌI ĐIỆN...

Hôm trước, tôi có ước ao có người gọi điện. Quả nhiên có người gọi. Thứ sáu tuần trước, ngày 23-12, Sĩ Hùng gọi từ Úc để hỏi thăm bạn bè. Thông tin của Hùng cho hay: hiện nay đời sống gia đình Hùng khá ổn, nhả cửa, xe cộ đã hoàn tất, con gái đã 2 tuổi, công việc tương đối, đang mở doanh nghiệp (năm sau sẽ thuê nhân công)... Như vậy là mơ ước của nhiều người bên này rồi. Tôi cũng cho Hùng hay tình hình bên này: Duy, Hằng dạo này rất khá, Phùng từ Đức Trọng đã chuyển về Định Quán, Ngọc ở Sóc Trăng, Hoa ở Vũng Tàu, Bé đã chuyển về công tác ở Đồng Nai... Sơ lược thế thôi, 15p nói sao nhiều cho được, mà mình cũng không thể nắm hết. Hùng gửi lời thăm tất cả các bạn (xin lỗi là bận quá, mãi hôm nay mới post thông tin này được!). Hùng nói tết sẽ gọi điện về hỏi thăm các bạn.


Vậy là cầu được, ước thấy.


Sáng nay, Phạm Hoa gọi. Cô nàng giả giọng thỏ thẻ, làm mình lục tung đầu óc để nhớ lại xem liệu mình có quen em nào giọng dễ thương tương tự như vậy mà có thể gọi từ Vũng Tàu không... Hoa đã có em bé thứ hai - con trai, tên là Huỳnh Phúc Khang - được hơn 5 tháng. Bạn nào đi Vũng Tàu nhớ gọi cho Hoa nhé!


Cuộc sống bộn bề. Tự nhiên nhận được cuộc gọi của bạn bè chắc ai cũng vui lắm, miễn là đừng kể với bạn chuyện bi kịch nào đó... Mà dẫu vậy thì bạn bè cũng có thể giúp mà! Rồi bạn bè cũng sẽ vui vì mình còn được nhớ tới, được tin cậy.


Các bạn nghĩ xem, có phải thế không?


Chúc năm mới mọi điều tốt lành!

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BẠN LÊ ĐĂNG DUY (21-12)

Chúc mừng sinh nhật bạn Lê Đăng Duy (cùng con gái). Chúc bạn luôn mạnh khỏe, thăng tiến trong công việc và cuộc sống!

TẢN MẠN

Bất chợt nghĩ đến các bạn cũ. Có nhiều người rất lâu rồi không gặp. Không biết họ sống ở đâu, làm gì, công việc ra sao. Cuộc đời nhiều khi đưa đẩy, bèo nước gặp nhau, rồi chia biệt, chẳng có tin gì nhau. Có người đã mấy chục năm rồi.

Nhưng nghĩ lại mình vô tình thật. Có người đã lưu hẳn số điện thoại rồi nhưng chẳng bao giờ gọi. Thành ra cũng không biết họ đang ở đâu, làm gì, cuộc sống ra sao. Ngay cả một số người từng thân thiết. Có khi bất chợt gọi, họ giật mình, ngạc nhiên: Có chuyện gì vậy? Hóa ra họ cũng vô tình như mình! Tức là đôi khi, đôi bên đều có thể liên lạc được với nhau nhưng chẳng ai gọi cho nhau, đến lúc một người gọi thì người kia nghĩ rằng chắc có việc/vấn đề gì đó...

Lẽ dĩ nhiên, các bạn có chuyện vui hay buồn, có gặp trúc trắc cần giúp đỡ thì bạn bè cũng chẳng biết để mà ứng cứu.

Có năm họp lớp, nhưng thực ra cũng chẳng có mấy người. Gặp nhau cũng vui nhưng chưa thấy có ích vì chương trình còn đơn điệu.

Tự nhiên thấy nhớ các bạn. Ước gì có thể có dịp gặp lại đầy đủ. Phải chi có ai gọi hỏi thăm mình...

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BẠN PHẠM QUỐC THẮNG (23-10)

Chúc Thắng (và bà xã Thùy Dung - ngày 23-10 cũng là ngày kỷ niệm 1 năm ngày cưới mà!) luôn mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành đạt!
Chúc mọi điều tốt lành!

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Tạp bút

TÔI TỒN TẠI VÌ TÔI VẪN CÒN CÓ Ý NGHĨA!


Mới rồi, tình cờ vào blog của một lớp cùng khóa. Vỏn vẹn có 3 tin: số điện thoại và email của một số bạn, tình hình thu quỹ sau một lần họp lớp, vài hình ảnh. Nhà quản trị kêu gọi mọi người đóng góp, cung cấp thông tin nhưng chẳng có ai. Thành ra gần 2 năm nay không có gì thêm.

Còn blog 12A2 nhà mình dù không có thông tin thường xuyên nhưng vẫn được một số bạn đọc, chia sẻ và nhắc nhở. Bạn chia sẻ những thông tin, cảm xúc trong đó; bạn nhắc nhở "sao dạo này vắng tin tức"... Đó là sự động viên để người làm quản trị blog cố gắng duy trì trang thông tin của lớp.

Cách đây mấy ngày, Tuyết Hằng gọi hỏi địa chỉ blog. Kể cũng nên trách Hằng. Có cái địa chỉ blog của lớp mà cũng quên! Sao không add vào máy? Nhưng thôi, Hằng có ý tốt: Hằng hứa sẽ gửi một số hình ảnh đi nước ngoài để các bạn chiêm ngưỡng! Không phải nói mát Hằng đâu! Bạn đi thăm châu Âu, chúng ta cùng mừng chứ! Có điều Hằng đã hứa mấy lần là cung cấp thông tin nhưng chẳng thấy đâu cả! Hi vọng lần này Hằng sẽ nhớ!

Nhớ câu của Descartes: Tôi tư duy là tôi tồn tại. Xin "nói lại": Tôi tồn tại vì tôi có ích! Ít nhất vẫn có những thông tin nho nhỏ về vài bạn trong lớp, vài chỉa sẻ bất chợt... Để thấy rằng lớp xưa vẫn còn một số bạn đang ở quanh đây!

Nhớ lắm chứ! 20 năm quen biết các bạn rồi còn gì! Tuyết Hằng, Trung, Thắng, Phạm Hoa, Đăng Duy, Hoài Phương... Những bạn khác thì cũng đã 18 năm rồi.

Không biết các bạn thì sao?

Tạp bút

ẤM LÒNG


Chiều tối. Loay hoay mãi với cái laptop mới. Một phím nào đó làm không thể đánh được một số ký tự. Coi như chịu chết. Định gọi cho chỗ bán hàng, mà Nguyễn Kim thì mênh mông, biết hỏi chỗ nào, chờ được thì cũng bộn tiền điện thoại...

Chợt nhớ người bạn chuyên về máy tính, dù là chuyên gia phần cứng. Cứ gọi thử! Không dông dài hỏi thăm như thường lệ. Hỏi ngay. Bạn trả lời ngay! OK ngay! Thật là tuyệt cú mèo!

Xong việc, ngồi suy nghĩ, chợt thấy thật ấm lòng. Giải quyết yêu cầu đó thật ra cũng không có nhiều ý nghĩa. Vì thế nào cũng hỏi được ở đâu đó. Cái chính mà nghe được giọng của bạn, cảm nhận được sự giúp đỡ của bạn mà thấy bạn thật gần gũi, thân mật, thân tình. Bấy nhiêu đó đủ làm cảm động rồi!

Giá như những người bạn luôn đối với nhau như thế! Khi bạn cần mình có thể sẵn sàng và khi mình cần thì bạn cũng có thể sẵn sàng.

Đời bạn bè thế còn gì tốt hơn phải không bạn?

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BẠN MAI VĂN TRUNG (15-10)!

Chúc mừng sinh nhật bạn Mai Văn Trung! Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt!

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BẠN NGUYỄN THỊ THANH THỦY (15-9)

Chúc mừng sinh nhật bạn Thanh Thủy (biệt danh NT3). Chúc bạn luôn mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành đạt.


TB: Hiện nay bạn Thủy đang định cư ở Hoa Kỳ. Bạn nào biết địa chỉ cụ thể, e-mail, số điện thoại hoặc bất kỳ thông tin gì thì cung cấp cho các bạn mình biết nhé! Cảm ơn!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BẠN LÂM THỊ TUYẾT HẰNG!

Chúc mừng sinh nhật bạn Tuyết Hằng (10-9). Chúc bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn ngày càng phát đạt! Chúc mọi điều tốt lành!

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Bài sưu tầm


Theo Hồn Việt, ngày 25-08-2011
Mai Thế Phú

Cuộc thi được tổ chức cách nay nửa thế kỷ, vào ngày 20-2-1955 tại rạp Lido, rạp lớn nhất Sài Gòn - Chợ Lớn hồi đó, có sức chứa cả ngàn người, đã đưa một nhà báo trẻ có bút danh Thu Trang trở thành hoa hậu. Có nhiều chuyện thú vị về người đẹp Thu Trang, sau này trở thành nhà sử học nổi tiếng, hiện sống tại Pháp.
Cuộc thi hoa hậu này có hơn 30 thí sinh trong buổi thi chính thức là những người đẹp đã lọt qua vòng sơ tuyển qua hồ sơ lý lịch và ảnh gửi trước cho ban tổ chức. Không có phần thi áo tắm nhưng vẫn hấp dẫn. Nội dung cuộc thi không có phần mặc áo tắm nhưng bộ phận chuyên môn của ban giám khảo có đo các chỉ số chiều cao, thể trọng và số đo ba vòng. Sau này, khi nhớ lại, những người đẹp dự thi hoa hậu năm ấy kể rằng nếu cuộc thi bắt buộc phải mặc áo tắm thì chắc chẳng ai dám thi, kể cả những cô vẫn thường mặc đồ tắm đi bãi biển nhiều lần rồi.
Đây là lần đầu tiên Sài Gòn có cuộc thi sắc đẹp do Bộ Thông tin và Bộ Xã hội, chính quyền miền Nam tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Ban tổ chức bao gồm cả một số nhân sĩ và nhà báo. Số tiền bán vé vào cửa được thông báo là ủng hộ Ủy ban Chẩn tế Xã hội, một cơ quan từ thiện hồi đó.
Kết quả cuộc thi: Á hậu thứ hai là sinh viên Ngô Yên Thu, người Cần Thơ; thứ nhất là Nguyễn Thị Ninh, sinh viên người Hà Nội mới vào Nam. Người vinh dự nhận vòng nguyệt quế là nhà báo Thu Trang, 23 tuổi, cao 1,61 m, nặng 53 kg, số đo ba vòng 86-62-88. Xin nhớ lại, ở thập niên 1950, ngay các ngôi sao điện ảnh và người đẹp nổi tiếng trên thế giới cũng vẫn còn có chiều cao vừa phải, chỉ 1,6 m hoặc hơn một chút (như Elizabeth Taylor, Audrey Hepburn, Odile Versois...).
Khi tên hoa hậu được tuyên đọc, hội trường vang dậy tiếng vỗ tay, sân khấu tràn ngập mấy chục nhiếp ảnh gia, quay phim và nhà báo. Ca sĩ đang rất nổi tiếng dạo đó là Tâm Vấn cũng đại diện khán giả nữ lên sân khấu chúc mừng. Ra khỏi rạp Lido, sau khi thỏa mãn rừng người xin chữ ký và xin chụp ảnh chung, hoa hậu được mời lên xe hơi mui trần màu xanh bóng loáng nước sơn mới để đi diễu hành trong khoảng hai tiếng đồng hồ qua các đường phố chính của TP.
Hoa hậu Thu Trang là ai?
Sau ngày 30-4-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thu hồi tòa Đại sứ Sài Gòn tại Paris. Đại sứ Phạm Văn Ba đọc được trong hồ sơ giấy tờ có ghi: Công Thị Nghĩa tức nữ diễn viên màn bạc Thu Trang là Việt Minh, Việt Cộng nằm vùng...
Vâng, Thu Trang là bút danh chính (cùng các bút danh khác như Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu...) của nhà báo Công Thị Nghĩa khi chị bắt đầu viết bài trên tờ Cần Học đầu năm 1954 và sau đó trên các báo Sài Gòn Mới, Tân Văn, viết truyện ngắn trên Phụ nữ Diễn đàn, viết feuilleton (truyện nhiều kỳ) trên Lẽ Sống... Còn “diễn viên màn bạc” là do trong hai năm 1956 và 1957, Thu Trang tham gia diễn xuất hai phim của nền điện ảnh non trẻ, trong đó ở phim Lục Vân Tiên, ngoài việc đảm nhận vai nữ chính Kiều Nguyệt Nga, chị còn lãnh việc lồng tiếng cho tất cả các vai nữ trong phim (vì thâu tiếng tại Nhật, không có kinh phí cho nhiều người đi). Đây là phim truyện màu đầu tiên của Việt Nam, cũng là phim VN đầu tiên tham dự Đại hội Điện ảnh châu Á tại Tokyo.
Nhưng tại sao Thu Trang lại là Việt Minh, Việt Cộng, hơn nữa lại được ghi trong hồ sơ của sứ quán chính quyền Sài Gòn tại Pháp? Xin được tóm lược chuyện dài đó như sau:
Từ năm 1950-1951, trưởng thành từ phong trào học sinh sinh viên, Công Thị Nghĩa đã ở trong tổ công tác của Ban Tình báo đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định gồm bốn người do anh Năm Tú Trần Thanh Vân làm tổ trưởng, anh Hai Tắc Trần Kim Lang (hai anh là cán bộ chủ chốt ở TP.HCM sau ngày giải phóng) và liên lạc viên là chị Tư Ngà. Nghĩa trẻ nhất trong bốn người nên được mang bí danh là Tư (tên thật và theo thứ tự trong gia đình là Ba Nghĩa).
Thời gian đó, nhiều lần Nghĩa bí mật theo liên lạc viên lên vùng Bến Cát, Tân Uyên dự huấn luyện về công tác nội thành. Giữa năm 1952, Nghĩa bị bắt, bị tra tấn ở bót Catinat, và bị giam chung với nhiều chính trị phạm (trong đó có các đồng chí Nguyễn Thị Châu Sa tức Nguyễn Thị Bình và Đỗ Duy Liên) ở khám Gia Định và khám lớn Sài Gòn. Nhờ sự bào chữa và can thiệp của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Công Thị Nghĩa được ra tù cuối năm 1953.
Trên đất Pháp
Năm 1960, với tư cách diễn viên điện ảnh, Thu Trang được Chánh văn phòng Bộ Thông tin chính quyền Sài Gòn giới thiệu làm việc với đoàn công tác của Đài Truyền hình Pháp và được họ mời sang Pháp tham gia diễn xuất trong một bộ phim dài đã có dự án cụ thể. Đầu tháng 11-1960, chị lên máy bay Air France qua Pháp trong tâm trạng ngổn ngang trăm bề Quê cha đất mẹ tôi ơi/ Giã từ tất cả quê người tôi đi/ Còn bao nhiêu độ xuân về?/ Có còn chăng chút đam mê tuổi vàng? (thơ Thu Trang, 1961).
Số phận đưa đẩy, sau vài tháng, bộ phim được chờ đợi không triển khai được, Thu Trang xin vào học École pratique des Hautes Études: Section des Sciences historiques et philologiques -Trường Cao học về lịch sử và ngữ văn - thuộc trường Sorbonne lâu đời và rất nổi tiếng của nước Pháp. Trong tâm trạng bùi ngùi nhớ quê, sau những buổi học, chị một mình dạo bước dưới bóng tháp chuông nhà thờ Đức Bà Paris, men theo bờ kè sông Seine quấn đầy dây lá thường xuân màu vàng soi bóng trên dòng nước xanh đậm thản nhiên trôi chậm về biển Manche. Xa xôi mới có trang thơ/ Ngẩn ngơ niềm nọ, vương tơ nỗi này/ Paris mưa tuyết gió bay/ Hay đâu tâm sự những ngày xưa sau/ Ánh trăng tan đã phai màu/ Xuân xanh còn độ ngàn sau còn dài (thơ Thu Trang, 1962). Chị ngỡ ngàng, xa lạ trước cuộc sống mới, nhưng phải hòa nhập để sống.
Số tiền dành dụm mang theo từ Việt Nam ngày càng cạn kiệt, Thu Trang phải vừa đi học vừa tìm việc làm thêm. Nhờ đã học và biết rành cả Anh ngữ từ khi còn ở Sài Gòn, Thu Trang kiếm được lúc thì một chân thông dịch tiếng Anh và tiếp khách ở một mỹ viện sang trọng ngay trên đại lộ Champs Élysées, lúc theo một đoàn làm phim về vùng Camargue miền duyên hải phía Tây nước Pháp làm công việc phụ diễn, lúc lại làm gia sư dạy tiếng Anh cho hai đứa trẻ 11 và 13 tuổi, con một bà chủ tiệm bán hoa tươi trong khu la-tinh gần trường và chính tại đây, chị đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên khuynh tả, rất quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Và một sinh viên y khoa trong nhóm, sau này là giáo sư, tiến sĩ khoa học đã trở thành người bạn đời tâm đầu ý hợp của chị.
Kiên trì khắc phục khó khăn, thâm nhập cuộc sống với những nét văn minh và phong tục khác lạ, Thu Trang tốt nghiệp cao học năm 1967. Cũng từ những năm này, chị bắt đầu tham gia tích cực và trở thành hạt nhân trong phong trào Việt kiều. Và sau những nỗ lực phi thường, năm 1978, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris VII với đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp.
Chị trở thành nhà sử học VN ở nước ngoài, với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Paris 1917-1923, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000 (Bản tiếng Pháp, NXB Harmattan, Paris, 1992) và những tác phẩm nghiên cứu và phổ biến kiến thức về du lịch... Chị làm Tổng thư ký Hội Khoa học Xã hội ba khóa liên tiếp và hiện là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp.
Và những kỷ niệm.
Tấm lòng yêu nước chân thành và bền bỉ thôi thúc suốt hơn nửa thế kỷ, từ tuổi trẻ sôi động lúc còn ở trong nước cho đến khi hoạt động không ngừng nghỉ ở nước ngoài, Thu Trang đã gặp gỡ, quen biết rất nhiều người thuộc nhiều khuynh hướng chính trị, xã hội, nghệ thuật khác nhau. Chị đã có những lần gặp riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi ở một căn phòng nhỏ trong Phủ Chủ tịch, khi đi dạo trong vườn cùng Thủ tướng và người con trai của ông. Chị có mối quan hệ đặc biệt, nhiều kỷ niệm vui buồn sâu sắc từ đầu thập niên 1950 đến giữa thập niên 1980, với luật sư, sau này là Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ.
Mới đây, trong một buổi đãi cơm đồng chí Nguyễn Thị Bình từ Việt Nam qua và GS Lê Thành Khôi, tại căn nhà của mình, số 9 đường Pasteur, Montrouge, Bắc Paris, chị Thu Trang báo tin, chị mới hoàn tất bản thảo tập hồi ký Một thời để nhớ khoảng 500 trang. Hy vọng chúng ta sớm được đọc những trang viết về cuộc đời sinh động của người phụ nữ tài danh này. (*)
Chị là người quảng giao, quen biết nhiều với văn nghệ sĩ, như nhà văn Phạm Văn Ký, người được giải văn chương của Académie Francaise (Viện Hàn lâm Pháp) năm 1961 với tiểu thuyết Perdre la demeure – Mất nơi ở; học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Vũ Hạnh, Đoàn Thêm... Thi sĩ Bùi Giáng là người để lại ở Thu Trang ấn tượng khó quên.
Chị kể: Hồi tôi chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng mấy lần tới nhà. Một chiều mưa dầm, không khí ẩm lạnh, cả nhà đang sửa soạn ăn tối. Anh gõ cửa khá mạnh làm mọi người giật mình. Anh bước vào ngồi phịch xuống ghế, mặt buồn bã như người bệnh. Tôi pha ấm trà nóng mời anh. Anh im lặng thật lâu rồi hỏi: Cô sắp đi Pháp? Bao giờ về? Đi chơi à? Tôi hơi ngạc nhiên vì kiểu nói nhát gừng của anh. Im lặng thật lâu rồi anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về. Trời vẫn đang mưa, tôi giơ tay định cản. Anh im lặng không lời từ giã, đi ra cửa.
Đó là lần cuối cùng Thu Trang gặp thi sĩ Bùi Giáng. 24 năm sau, nhà phê bình văn học Đặng Tiến từ VN trở lại Pháp đem sang cho chị (anh nói do một bạn ở nhóm Bách Khoa gửi) một đôi guốc kiểu xưa bằng gỗ có chạm hai bên bốn câu Kiều bằng chữ Nôm và quốc ngữ: Phòng văn lạnh ngắt như đồng/ Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan/ Mành tương phơ phất gió đàn/ Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
Theo Việt Báo

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Bài sưu tầm

ĐÀO TRINH NHẤT(1900-1951)
TỪ MỘT NHÀ BÁO SÁNG DANHĐẾN MỘT HỌC GIẢ KHẢ KÍNH

Nguyễn Đình Chú

Đào Trinh Nhất là nhân vật đã được Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại quyển Ba ở mục Truyện ký và lịch sử ký sự mệnh danh là “một tay kỳ cựu trong làng văn làng báo Nam kỳ và Bắc kỳ”. Đặc biệt, ngày ông qua đời (23-2-1951), báo chí trong Nam ngoài Bắc đã tôn vinh, dành cho ông không ít lời tốt đẹp: “Một lão thành trong làng báo”, “Một anh tài”, “Một kiện tướng trong văn giới, báo giới”, “Một ký giả lão thành”, “Một nhà báo kiêm sử gia có tiếng”, “Học vấn uyên thâm và thiên tài về nghề báo”, “Một danh tướng trong làng báo Việt Nam”... điếu văn của chủ nhiệm báo Cải tạo, nơi ông là chủ bút thì viết: “Nhớ anh xưa:khoa bảng nhà dòng, văn chương nếp cũ/ Học nhiều biết nhiều, Tây có Nho có/ đường trường dong vó ngựa, Nam tiến bao phen. Bể rộng vượt cánh hồng, Tây du mấy độ/ Cành câu cơm áo, đường công danh dơ gót mặt đua chen/Ngòi bút sắc đanh, trường ngôn luận thích đóng vai tự chủ”.
Vậy mà thời gian ít nhiều đã lãng quên ông.
Ngay người viết bài này, gần nửa thế kỷ trước đã phục ông khi đọc Nước Nhật Bản 30 năm duy tânĐông Kinh nghĩa thục nhưng rồi cũng chỉ ngừng ở đấy. May mắn gần đây có ông Đào Duy Mẫn, một người nhiệt tâm với thân tộc, sau khi thành công với tuyển tập Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ mà tôi cũng có tham gia trong việc giới thiệu bài Văn sách thi Đình của cụ Hoàng Giáp cách đây vài năm, nay lại làm tiếp Tuyển tập tác phẩm Đào Trinh Nhất và cũng mời tôi tham gia. Quả thật lần này, nhờ sự hỗ trợ tư liệu của ông Đào Duy Mẫn mà tôi được tiếp cận với tác giả Đào Trinh Nhất tương đối đầy đủ hơn trước nhiều thì lòng cảm phục đã tăng lên gấp bội lần.
Tôi thấy đây là một ngòi bút có tài, có tầm, có tư tưởng không dễ có nhiều ở đương thời, cần được làm sống dậy cho xứng với tác giả đã đành mà còn cần cho đông đảo độc giả, những ai đang tha thiết quan tâm đến việc kho báu văn hoá tinh thần của dân tộc giữa thời buổi hội nhập gấp gáp, sôi động chưa từng có, được nhiều mà mất cũng không ít.
TỪ MỘT NHÀ BÁO SÁNG DANH...
Đào Trinh Nhất xuất thân với nghề làm báo. Ông từng là chủ bút hoặc bỉnh bút của nhiều tờ báo khắp Nam Bắc trong khoảng 30 năm trời. Hữu Thanh tạp chí, Thực nghiệp dân báo, Trung Hoà nhật báo, Đông Pháp (phụ trương bằng Việt ngữ của tờ France Indochine), Phụ nữ tân văn, Thần trung, Công luận, Đuốc nhà Nam, Mai, Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Sài Gòn mới, Ánh sáng, Tri tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Nước Nam, Việt thanh, Cải tạo. Thời gian du học ở Pháp (1926-1928), ông đã viết trên Việt Nam hồn.
Không biết trong làng báo nước ta xưa nay đã có bao nhiêu người có mặt trên nhiều báo chí như Đào Trinh Nhất mà phần lớn lại là báo có thanh thế, nhiều độc giả của đương thời. So với nhiều người làm báo cùng thời, Đào Trinh Nhất có mấy điều lợi thế hẳn hoi.
- Một, ông là con của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, từng là yếu nhân của trường Đông Kinh nghĩa thục. Cái tên trường Đông Kinh nghĩa thục là do cụ đề xuất và được chấp nhận. Cụ lại là người làm báo đầu tiên của miền Bắc: Đốc biện (tức chủ bút) Đại Nam đồng văn nhật báo, chủ bút Đại Việt tân báo là tờ báo đầu tiên ở Hà Nội một nửa bằng chữ Hán, một nửa bằng chữ quốc ngữ (năm 1905). Năm 1907, đại Nam đồng văn nhật báo chuyển thành đăng cổ tùng báo có quan hệ gần gũi với phong trào Đông Kinh nghĩa thục, trong đó phần chữ Hán vẫn do cụ làm chủ bút. Trường Đông Kinh nghĩa thục chỉ tồn tại được 9 tháng (3-1907 - 12-1907) thì bị giải tán. Năm 1908, sau vụ Hà thành đầu độc binh lính Pháp, các cụ tham gia Đông Kinh nghĩa thục bị khủng bố. Cụ Đào Nguyên Phổ bị truy lùng ráo riết. Trong cơn nguy nam đó, để tránh phiền toái cho người thân và những người từng cưu mang che chở cho mình, cụ đã quyên sinh. Cuộc sống cao cả của người Cha như vậy chắc hẳn đã ảnh hưởng rất lớn đến người con, mặc dù lúc cha qua đời thì con mới lên 8 tuổi.
Đào Trinh Nhất chịu ảnh hưởng cha trước hết là về nhân cách một con người đã sống chết với chính nghĩa, với lý tưởng ích quốc lợi dân, với nhiệt tình duy tân đất nước. Và dĩ nhiên còn là ảnh hưởng về sở thích, về khả năng làm báo trong đó có ký sự, có sử học. Một đời cầm bút của Đào Trinh Nhất đã để lại rất rõ những ảnh hưởng sâu đậm đó. Đây là hiện tượng cha truyền con nối, cha thế nào, con thế ấy, khá đẹp. Đào Trinh Nhất là người con có hiếu. Có thể chưa làm được một việc lớn như cha, nhưng ít ra cũng không làm việc gì đi chệch hướng của cha.
- Hai, Đào Trinh Nhất cũng có điều này khác với nhiều người làm báo đương thời. Ấy là chỗ, có những nhà báo nổi danh, ngang hoặc hơn cả Đào Trinh Nhất như Tản Đà, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Ngô Tất Tố...nhưng đến với công việc viết báo, chủ yếu vẫn chỉ bằng văn hoá Hán học, dĩ nhiên ít nhiều đã được hiện đại hoá. Ngược lại không ít người làm báo khác cũng nổi tiếng như Hoàng Tích Chu hay như các cây bút của Phong hoá, Ngày nay thì hầu hết lại chỉ có Tây học. Trong khi ở Đào Trinh Nhất là vừa Hán học, vừa Tây học. Về Hán học, với ông, ngày học trường Đông Kinh nghĩa thục đã có được một ít. Sau đó, học thêm và đã dự kỳ thi Hương cuối cùng năm 1915 dù không đỗ. Về Tây học, ông là học sinh trường Quốc tử giám ở Huế mà chương trình học vừa có Hán học vừa có Tây học. Sau đó từ năm 1926 đến 1928, ông lại cùng Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn du học Pháp, chuyên ngành báo chí. Đọc vào báo phẩm, văn phẩm của Đào Trinh Nhất, ta thấy rõ các thế mạnh, chỗ hơn nhiều người khác của ông chính là ở vốn tri thức vừa có Hán, vừa có Tây, vừa có cổ, vừa có kim. Và chính đó đã lộ tư cách học giả của ông ngay trên mặt báo chí.
- Ba, cũng còn một nét khác giữa công việc làm báo của ông so với nhiều người làm báo khác đương thời là ông ít viết theo từng bài lẻ, mà viết theo chủ điểm lớn, viết theo hệ thống, theo chuyên đề... để rồi xâu chuỗi lại là thành một công trình chuyên khảo. Không ít công trình chuyên khảo của ông được in về sau là kết quả của một trạng thái làm báo mang phong cách riêng đó.
...ĐẾN MỘT HỌC GIẢ KHẢ KÍNH
Đào Trinh Nhất đã để lại cho đất nước những tác phẩm sau đây:
Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (1924), Cái án Cao Đài (1929), Đông Chu Liệt Quốc (dịch), Thần tiên kinh (dịch), Nước Nhật Bản 30 năm duy tân (1936), Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Phan Đình Phùng - Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886 - 1895) ở Nghệ Tĩnh (1937), Đông Kinh Nghĩa Thục (1937), Đời cách mệnh Phan Bội Châu (dịch Ngục trung thư), Cô Tư Hồng (1942), Vương An Thạch (1943), Vương Dương Minh (1943), Chu Tần tinh hoa (1944), Lê Văn Khôi, Bùi Thị Xuân, Kẻ bán trời, Mộc Lan tòng quân, Con trời ngã xuống đất đen (1944), Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (1946), Liêu trai chí dị (dịch - 1951) ([1])
Qua danh mục trên đây, thấy rõ Đào Trinh Nhất đã để lại một khối lượng tác phẩm vừa đồ sộ, vừa đa dạng với nhiều thể loại (khảo cứu, ký sự, lịch sử, tiểu thuyết, dịch thuật) thuộc phạm vi đất nước là chính nhưng cũng có ngoài nước thuộc Đông là chính nhưng cũng có Tây. Trong đó nổi lên ba luồng tư tưởng lớn có ý nghĩa đối với đất nước, đối với thời đại:
- Một, thuộc về quốc kế dân sinh.
- Hai, thuộc về khát vọng duy tân đất nước.
- Ba, cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và những gương sáng anh hùng cứu nước.
Ngoài ba chủ điểm đích đáng đó còn là những “giai thoại lịch sử” là những nhân vật lịch sử này khác, là cuộc đời của một me Tây, là cuộc sống của những “con trời ngã xuống đất đen”...
Về vấn đề quốc kế dân sinh, công trình đáng giá nhất là cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ. Chúng ta đều biết vấn đề khách trú (chính là vấn đề Hoa kiều) trên đất nước ta, dù hôm nay thì chính sách của nhà nước ta đã rõ, nghĩa là coi Hoa kiều là một thành phần trong đại gia đình Việt Nam. Nhưng trong lịch sử, vấn đề đó không đơn giản chút nào. Trước thực tế làm ăn khôn ngoan, giỏi giang của người Hoa, ở nước ta không phải không có người đã lo sợ đến sự lấn át của họ đối với người Việt. Một khuynh hướng bài Hoa không phải không ít nhiều đã có, được báo chí đương thời phản ánh.
Đào Trinh Nhất vốn tâm huyết với lịch sử dân tộc, cũng đã đề cập tới vấn đề này qua công trình này. Điều đáng nói ngay là cách đề cập của ông công phu hơn, nghiêm túc hơn và cũng là đúng đắn hơn nhiều so với người đương thời.
Trước hết là bằng một sự khảo sát cụ thể, tỉ mỉ, trực tiếp ở đây là thuộc địa phận Nam Kỳ. Từ đó cho người đọc thấy: cả nước có 35 vạn người Hoa thì Nam Kỳ là 20 vạn và quả thật, họ đã khôn ngoan, giỏi làm ăn hơn, do đó đã lấn át người Việt khá rõ. Và từ sự thật không hay đó cho đát nước, ông không đặt vấn đề bài Hoa theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, bất lợi mà theo tinh thần dân tộc chân chính, tỉnh táo là chủ trương di dân hai miền Trung, Bắc vào Nam mà theo ông có hai ý nghĩa lớn:
“Một là tư bản và nhân công hợp với nhau. Tư bản và nhân công là hai tài liệu để lập nên một nước phú cường. Tất phải tương tri tương trợ lẫn nhau, rời nhau ra thì đều là vô dụng, lại có hại nữa. Thế giới ngày nay xướng lên cái chủ nghĩa tư bản và cái chủ nghĩa lao động có ý phản đối với nhau, thường khi bọn thợ đình công mà công nghệ phải chịu ảnh hưởng lớn, thường khi ông chủ đóng cửa xưởng mà bọn thợ đến nỗi mất việc làm, chính cớ rành rành là nước Nga gây nên cái chính sách lao nông mà trong nước tan tành ra đó...Nước ta, Nam Kỳ sẵn của mà việc làm thiếu người. Trung Nam Bắc sẵn người mà làm việc thiếu vốn, bấy lâu nay lìa rẽ với nhau, cho nên chưa thấy kinh doanh được việc làm gì to tát cả. Vậy nên di dân vào Nam Kỳ, tức là cách kết hợp nhân công với tư bản vậy. Vả chăng, ta cũng nên biết rằng, muốn đạt được bao nhiêu cái kỳ vọng lớn lao của ta sau này thì phải lấy Nam Kỳ làm trường hành động mới được.
Hai là liên lạc được mấy xứ. Nói đến tiếng liên lạc cũng là việc chẳng đã vì nước mình suốt từ Bắc đến Nam sinh cùng một nòi, nói cùng một tiếng, theo cùng một văn hoá, giữ cùng một tính tình, li gián từ đâu mà ngày nay phải nói đến chuyện liên lạc? Duy gần đây, vì sự ngẫu nhiên của lịch sử mà mỗi xứ phục theo một chính thể riêng, cho nên sự trao đổi tình ý với nhau không khỏi có chỗ ngăn trở đến nỗi tưởng lầm rằng: không phải cùng nhau một lịch sử chung, một nguồn gốc chung, một tiếng nói chung, một lễ nghĩa chung”.
Những lời lẽ trên đây cho thấy tác giả đã để lộ những tư tưởng rất lớn khi đặt vấn đề di dân Trung Bắc vào Nam Kỳ: di dân vào đay là để tạo ra sức mạnh cho Nam Kỳ mà cũng là cho cả nước để cạnh tranh trước thế lực khách trú. Là để củng cố, xây dựng lại sự thống nhất đất nước khi đã bị hao hụt do chính sách chia để trị của thực dân, coi ba kỳ như ba xứ sở riêng biệt. Đặc biệt, trong việc di dân Trung Bắc vào Nam Kỳ để xây dựng và phát triển, tác giả đã chạm vào một vấn đề rất lớn của thời đại, của thế giới là việc xử lý quan hệ giữa hai giai cấp tư bản và công nông: đối kháng hay cộng sinh mà theo tác giả phải là cộng sinh.
Rõ ràng là thời gian đã chứng minh hùng hồn cho quan điểm của tác giả. Những tài liệu gần đây được phát hiện của Mác-Engghen ở giai đoạn cuối, đặc biệt là của Engghen cho thấy quan điểm của Đào Trinh Nhất vào năm 1924 là một sự trùng khớp và ở Việt Nam là sự đi trước thời đại. Cũng cần nói thêm: Đào Trinh Nhất không sa vào chính sách bài Hoa bởi chính ông trong tác phẩm còn chủ trương học tập những kinh nghiệm làm giàu của họ. Với ông là theo quy luật cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua. Do đó, phải biết phát huy tối ưu vai trò của nội lực để thành kẻ mạnh trong khi buộc phải cạnh tranh, không thể khác. Ý nghĩa triết học chính là ở đó.
Thuộc luồng tư tưởng duy tân tự cường, với Đào Trinh Nhất, có các tác phẩm Nước Nhật Bản 30 năm duy tân, Vương An Thạch, Vương Dương Minh... Chúng ta đều biết: cuộc duy tân Minh Trị của Nhật Bản từ năm 1868 là một hiện tượng thần kỳ trong lịch sử không chỉ là ở châu Á mà còn là trên thế giới. Từ một nước chỉ toàn đảo là đảo, nằm chơi vơi giữa biển Đông, tài nguyên cũng chẳng có là bao, nhưng qua cuộc duy tân, với khẩu hiệu tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật phương Tây mà chỉ trong vòng mấy chục năm, đã trở thành một cường quốc rồi là cường quốc thứ hai của thế giới, cùng với Thái Lan là hai nước vẫn giữ vững độc lập dân tộc trong khi hầu hết châu Á đã bị các đế quốc phương Tây chiếm đóng. Ngay đến cái nước Trung Hoa khổng lồ, từng làm mưa làm gió trong khu vực trước đó thì rồi cũng như một con voi già bị các chú sói từ trời Tây đến, con gặm tai, con gặm má, con gặm đùi, nhục hết nói...Còn Nhật Bản không chỉ giữ trọn độc lập mà còn chiến thắng cả một cường quốc trong chiến tranh Nhật-Nga (1905). Và ngày nay thì đã có thể tuyên bố với thế giới: Tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật Nhật Bản. Tất nhiên, bên cạnh sự nghiệp thần kỳ đó, Nhật Bản đã sa vào chủ nghĩa phát xít, một thời gây tội ác lớn trong khu vực, với Việt Nam ta.
Mặc dù vậy, công cuộc duy tân thần kỳ của Nhật Bản vẫn là một hiện tượng hấp dẫn muôn đời. Ở nước ta, từ năm 1875 (Ất Hợi) trong chế sách thi Đình, vua Tự Đức đã nêu vấn đề để hỏi các vị Đình thí với cái ý là: “ Gần đây người ta lại rất coi trọng phương pháp của người Tây”, “có người lại muốn thay đổi văn hiến ngàn năm của ta, mới có thể đến cõi văn minh được. Đúng thế chăng, không đúng thế chăng?”, “Tất có người phân biệt được. Phải chăng là họ thấy nước Nhật Bản gấp theo công hiệu cận tiện mà cho là nên bắt chước chăng?”.
Đúng là nhà vua đã thấy Nhật Bản nhờ duy tân học tập phương Tây mà thịnh vượng lên. Từ đó đặt vấn đề ta có nên bắt chước Nhật Bản không. Nếu bắt chước thì vấn đề giữ gìn văn hiến ngàn năm phải thế nào?
Sang đầu thế kỷ 20, trong phong trào Đông Du, hướng theo Nhật Bản duy tân, bài ca Á tế Á đã có những lời ngợi ca nồng nhiệt công cuộc duy tân của Nhật Bản:
.... “Cờ tự lập đứng đầu phất trước,
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn
Thái Đông(1) nổi hiệu duy tân
Nhật Hoàng là đấng minh quân ai bì([2])
Dòng Thần Vũ riêng về một họ
Vùng Phù Tang([3]) soi đỏ góc trời”

Sách báo Việt Nam trong 100 năm qua, đặc biệt là sau này, hẳn đã nói nhiều về công cuộc duy tân của Nhật Bản. Nhưng công trình Nước Nhật Bản 30 năm duy tân của Đào Trinh Nhất vẫn có vị trí không ai thay thế được ở độ quy mô, công phu của nó và thiết tưởng vẫn là một công trình rất cần cho những ai hôm nay đang quan tâm thiết tha với sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước.
Cuốn Vương An Thạch của Đào Trinh Nhất cũng là một cuốn sách lớn trong việc giới thiệu một kỳ tài duy tân chính trị xã hội Trung Hoa xưa mà người Việt Nam thời trước còn ít biết. Ở đầu sách trong mục “Thưa, có mấy lời”, Đào Trinh Nhất đã viết: “Độc giả có lẽ phải kinh ngạc: - Quái! Trung Quốc ở thế kỷ 11 mà nảy ra một nhà nho làm chính trị mới lạ như thế ư? Kinh công Vương An Thạch sinh ra giữa lúc nước nhà bần nhược, cường lân đè nén, suy xét nguyên nhân chỉ tại giáo dục thủ cựu, chính chị thủ cựu khiến nên dân nghèo nước yếu mà ra. Ông bèn lập chí cứu quốc bằng những chính sách duy tân , cả từ chính trị, giáo dục cho đến kinh tế, quân sự. Không phải nghị luận mà thôi, ông được thực hành những đại kế đã định. Tuy chí hướng không đạt, biến pháp không thành là vì bọn nhà nho đồng thời xúm lại phá hoại, nhưng mà tư tưởng và chính sách duy tân của ông có thể khiến cho chúng ta tưởng như ông là người ở thế kỷ 19, 20. Hơn nữa, tưởng như ông là một nhà chính trị bên kia trời Âu Mỹ”.
Riêng về tác phẩm thì nhà xuất bản đã viết: “Đào Quân chịu khó kê cứu tài liệu, viết tóm tắt mà rõ ràng, cốt chọn lựa những sự tích thiết thực, lý thú để độc giả xem thấy vui vẻ”.
Cuốn Vương Dương Minh cũng là thêm một trường hợp đáng giá. Vương Dương Minh (1472-1528) sống đời nhà Minh (Trung Quốc) là một nho sĩ độc đáo, đầy chủ kiến, dám phản biện lại các tiên nho, đặc biệt với Chu Tử- thần tượng của Tống Nho, chủ trương nâng cấp tâm học, xác định lại lý thuyết "trí tri cách vật", chủ trương thuyết "tri lương tri", đặc biệt là cổ động cho thuyết "tri hành hợp nhất". Thực chất tư tưởng của Vương Dương Minh là đặc biệt coi trọng cái tâm của con người, chống lại lối học huấn hỗ, giáo điều, xa rời thực tiễn, đề cao tự do tư tưởng và tinh thần thực dụng. Tư tưởng của Vương Dương Minh được người đời sau đánh giá là một hiện tượng cấp tiến, coi ông là người có vị trí sau Khổng Tử dù cho đương thời lại bị chính người Trung Hoa từ chối. Nhưng sau đó, lại được Nhật Bản đón nhận, được nhiều học giả phương Tây rất mực đề cao. Đã có ý kiến cho rằng tư tưởng của Vương Dương Minh là một trong mấy thành tố ban đầu đưa đến cuộc duy tân Nhật Bản thần kỳ. Tiếc cho Trung Hoa về sau cũng đã nhận ra giá trị của tư tưởng Vương Dương Minh nhưng thời cơ đã mất bởi đã bị phương Tây trên đường phát triển ập đến xâu xé. Đào Trinh Nhất, bằng một lao động khảo cứu uyên bác, không chỉ về riêng Vương Dương Minh mà còn là tư tưởng, tình hình nho học của Trung Hoa nói chung, không chỉ những gì giữa Vương Dương Minh với đất nước của mình mà còn lại giữa Vương Dương Minh với các học giả phương Tây, với Nhật Bản, kể cả Việt Nam ta, cuối cùng đã tạo nên một công trình học thuật đúng là không dễ có nhiều.
Với Đào Trinh Nhất, ở ba công trình trên là nói chuyện duy tân ở nước ngoài, còn với công trình Đông Kinh nghĩa thục là chuyện của chính nước mình. Chúng ta đều đã biết trường Đông Kinh nghĩa thục, rộng ra là phong trào Đông Kinh nghĩa thục là một mốc son chói lọi, là một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa lớn lao trong lịch sử dân tộc ở đầu thế kỷ 20, dù chỉ tồn tại trong vòng 9 tháng thì đã bị kẻ thù dập tắt. Sách vở viết về Đông Kinh nghĩa thục ngày một thêm phong phú, đặc biệt là bộ sách 2 tập dày gần 2000 trang Đông Kinh nghĩa thục và thơ văn Đông Kinh nghĩa thục do Chương Thâu biên soạn trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long vừa qua, đã cho thấy tầm vóc văn hiến vĩ đại của Đông Kinh nghĩa thục là như thế nào? Nhưng thử hỏi: Ai là người đi đầu trong việc làm sống lại Đông Kinh nghĩa thục nếu không phải là Đào Trinh Nhất, với tác phẩm Đông Kinh nghĩa thục (Mai Lĩnh, Hà Nội -1937) đã bị nhà cầm quyền Pháp bấy giờ cấm lưu hành.Với Đào Trinh Nhất, viết sách Đông Kinh nghĩa thục là chuyện vừa để trả mối nợ lòng với đất nước, vừa để trả mối nợ lòng với chính thân phụ kính yêu của mình. Một hiện tượng vừa hiếu với nước, vừa hiếu với cha, đẹp và hiếm là thế.
Về cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và các phong trào, các bậc anh hùng chống Pháp thuộc chủ điểm lớn thứ ba trong tư tưởng học thuật của Đào Trinh Nhất đã thể hiện ở các công trình: Việt Nam Tây thuộc sử (Đỗ Phương Quế, Sài Gòn - 1937), Phan Đình Phùng -Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1884 - 1895) ở Nghệ Tĩnh (Cao Xuân Hữu - 1937), Đời cách mệnh Phan Bội Châu (dịch Ngục trung thư, Mai Lĩnh - 1938), Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 (Quốc dân thư xã - 1946).
Cuốn Đông Kinh nghĩa thục đã nói ở trên nếu nhắc lại ở đây cũng có lý. Từ các công trình công phu này, nổi lên trước hết là một tinh thần dân tộc cao cả, một dũng khí hiếm hoi giữa cái thời buổi mà kẻ thù còn đè đầu cưỡi cổ - thời kỳ mà với dân tộc, với nhân dân, nói như Đoàn Như Khuê là "bể thảm mênh mông sóng lút trời" hay như Chế Lan Viên là "thung lũng đau thương". Thử hỏi trên văn đàn công khai đương thời có ai khác, ngoài Đào Trinh Nhất là người để tâm huyết, công sức vào việc dựng lại Việt Nam Tây thuộc sử tang tóc, đau thương này. Đúng là sau 1954, chúng ta có không ít công trình của các sử gia Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Giàu, Minh Tranh, Đinh Xuân Lâm... nhiều giáo trình đại học viết về lịch sử thuộc Pháp và chống Pháp rất mực phong phú. Nhưng thử hỏi ai là người đi đầu trong công chuyện cần thiết và cấp thiết này nếu không là Đào Trinh Nhất. Không chỉ là người đi đầu mà còn là viết trong nanh vuốt của kẻ thù. Rồi nữa, ai là người đi đầu trong việc làm sống lại cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Phan Đình Phùng với người trợ thủ kiệt xuất Cao Thắng, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên với vai trò lãnh đạo của Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn bằng một sự khảo sát tường tận, một sự ngợi ca tột độ ngoài Đào Trinh Nhất. Chúng ta hẳn còn nhớ năm 1908, đốc học Trần Quý Cáp khi nghe tin nhân dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vùng lên đấu tranh chống thuế thì thốt lên một câu: "Khoái tai! Khoái tai!" mà ngay sau đó đã phải lên đoạn đầu đài. Chúng ta nào đã quên cái gọi là "Văn chương quốc cấm", ai lưu hành , ai phổ biến là dễ chết như chơi. Vậy mà Đào Trinh Nhất đã làm những trước tác như thế. Đành rằng hai tác phẩm Việt Nam Tây thuộc sử và Phan Đình Phùng ... là viết và in năm 1937, đúng vào thời Mặt trận bình dân mà kẻ thù phải nhẹ tay. Dù vậy thì vẫn phải thấy ở Đào Trinh Nhất một sự nhậy bén, biết chớp thời cơ. Do đó khỏi phải lên đoạn đầu đài, chỉ bị kẻ thù cấm lưu hành mà thôi.
*
* *
Rõ ràng là Đào Trinh Nhất đã từ một nhà báo sáng danh trở thành một học giả khả kính. Khả kính ở trình độ học vấn uyên thâm, kiêm cả đông tây kim cổ. Nhưng khả kính trước hết là ở lương tâm, ở tư tưởng thuần khiết chính nghĩa, không dễ có nhiều trong báo giới, văn giới đương thời.
Việc lãng quên ông dù ít hay nhiều là một sự bất công. Nhưng trước hết là một sự thiệt thòi cho đất nước.
Ấn tượng cuối cùng về Đào Trinh Nhất ở người viết bài này là thế. Dẫu biết những gì mình đã biết, đã viết về tiên sinh hôm nay, cũng mới chỉ là bước đầu. Xin được quý vị cao minh, cao kiến chỉ giáo thêm.


([1]) Dựa theo Nguyễn Đắc Lộc: “Thân thế và sự nghiệp văn chương Đào Trinh Nhất” . Văn bản do ông Đào Duy Mẫn cung cấp
1. Thái Đông: khu vực cực đông châu Á.
[2] Nước Nhật Bản từ khi thành lập chỉ có một dòng vua (Thiên Hoàng).
[3] Phù tang: tức Nhật Bản

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BẠN NGUYỄN TỐNG QUẾ (23-8)

Chúc bạn Nguyễn Tống Quế luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thăng tiến!

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Bài thơ

NHỮNG MIỀN QUÊ HƯƠNG

Anh đi qua những miền quê hương
Hoa nở rợp những con đường
Thắm đôi má hồng thiếu nữ
Giọt mồ hôi ngọt dấu cần lao.

Anh đi qua những con sông sóng vỗ rì rào
Những hàng dừa chải mây xạc xào
Những vườn cây đong đưa trĩu quả
Những bến cảng chiều tôm cá đầy ghe.

Anh đi qua ruộng lúa vàng hoe
Những vườn rau xanh mướt cả xuân hè
Cá quẫy đầy ao, tác tao bầy vịt vừa tới lứa
Bò từng đàn nha nhẩn gặm cỏ non…

Anh đã đi qua những con đường quê hương
Đất nẻ khô hoa cỏ héo tàn chẳng kịp tỏa mùi hương
Đời buồn như manh áo nâu đôi lớp vá
Nụ cười thường khô héo bờ môi…

Quê hương giờ kỳ diệu đổi thay
Những công trình như hoa nở giữa bàn tay
Đất hồi sinh, ruộng chua phèn cho trái ngọt
Nắng mưa giờ làm bạn của người dân…

Anh đi giữa lòng bồi hồi, bâng khuâng
Bao xúc cảm trào dâng
Muốn ghi lại thành thơ, thành nhạc
Để ngợi ca sức sống của quê mình.

Anh đi qua những miền quê thanh bình
Những nụ cười tươi như những đóa hoa xinh
Anh bất chợt nghe mình có lỗi
- Chưa góp chút gì cho bức họa quê hương…

Anh đi qua những con đường
Tương lai cần tất cả mọi người chung sức em ơi…

BÀNG THIÊNG CÔN ĐẢO

Ai đã từng đặt chân lên mảnh đất thiêng Côn Đảo
Không khỏi ngỡ ngàng trước sức sống những rặng bàng xanh
Mọc hiên ngang nơi cuối bãi đầu gành
Reo trước gió và vươn mình hướng biển.

Rừng bàng thiêng vang rì rào không ngơi tiếng
Hồn núi sông dân tộc ở đâu đây?
Hai vạn anh linh đọng ở đất này?
(1)
Như sức sống dân tộc Việt ta bất diệt?

Côn Đảo xa xôi từng là “đất giết”
Một trăm mười ba năm “địa ngục trần gian”
“Trường học” của hai mươi vạn lượt tù nhân
Nơi giam hãm những xác thân không bất khuất.

Bàng thiêng đã “học” thêm nghị lực
Sức sống này như đã truyền hết cho nhau
Khát vọng tự do qua tiếng gọi rì rào
Vài chiếc lá lót dạ trong xà lim tăm tối.

Nên cổ thụ, gốc xù xì mà bàng thêm dày lõi
Như tóc người tù thêm bạc mà chí thêm bền
Mỗi người ngã giục người khác đứng lên
Máu dẫu đổ nhưng không lùi bước.

Đảo vẫn xanh, bàng vẫn vươn mình về phía trước
Trời tự do, trời lại thêm xanh
Ở xứ này bốn phía thấy bình minh
Dù đêm tối vẫn sáng lòng son sắt.

Những rặng bàng thiêng trên đất thiêng nhiệm nhặt
Cành lá khô sưởi ấm những đêm dài
Hạt bùi thơm thêm vị ngọt cho đời
Và dáng thẳng vẫn thắm tô những trang lịch sử.

Ai đã đến mà chẳng hề suy nghĩ
Những cây bàng như sức sống Việt Nam…

(1) Trong 113 năm bị biến thành “địa ngục trần gian”, Côn Đảo đã “đón” hơn 200.000 lượt tù nhân, trong đó có hơn 20.000 người đã vĩnh viễn nằm lại hòn đảo này.

Bài thơ

ĐÊM SAU BÃO, ĐỌC THƠ ĐỖ PHỦ

Anh đưa em về thăm quê. Sau bão
Quang cảnh tiêu điều, đổ nát
Mười nhà sập mất phần ba
Hai phần tốc mái, long tường còn lại
Sương cuối năm, mắt mẹ nhạt nhòa…

Tang thương quê mình. Sau bão
Nhặt nhạnh những gì còn sót lại
(Thêm việc làm cho những chị mua ve chai)
Chặt vội hàng cây quặt quại
Đau như tự chặt cánh tay mình.

Anh đưa em đi thăm quê. Sau bão
Nụ cười héo hon, nét mặt hao gầy
Ruộng lúa xác xơ, bàn tay thêm những vết chai
Lũy tre đầu làng gãy cành lá khô như bị đốt
Những em thơ mất ngủ đêm ngày.

Bàn tay nắm lấy bàn tay. Sau bão
Rất cần sự chia sẻ động viên
Anh gửi cùng em những nụ cười hiền
Góp bàn tay giúp dựng cái lều, cái chái
Thêm gói mì, ký gạo cũng vui.

Đêm ta ngủ quê nhà. Sau bão
Nghe tiếng gió gào nức nở những cành xoan
Tiếng dế giun non nỉ thêm buồn
Anh đọc em nghe thơ Đỗ Phủ
Bài Gió thu tốc mái nhà.

Có một nhà thơ trở trăn. Sau bão
Đâu chỉ buồn chuyện mất mấy tấm tranh
Cũng không buồn vì con đạp rách chăn
Hay mất ngủ đêm dài sao lạnh lẽo
Nhà thơ đang ước ao cho nhân thế.

Một ngôi nhà to cho người trú chân. Sau bão
Vạn gian nhà vững chãi với thiên nhiên
Một ước mơ tưởng như chuyện thần tiên
Nhà thơ mơ mộng và không cam lòng nhắm mắt
Lạnh niềm riêng đâu bằng lạnh của nhân gian.

Anh kể em nghe thêm những chuyện buồn. Sau bão
Đỗ Phủ chết trên chiếc thuyền rách nát
Vạn gian nhà vẫn chưa có cột kèo
Khắp nhân gian còn lắm những cảnh nghèo
Tay càng trắng sau một cơn bão dữ.

Gửi em thêm những ước mơ. Sau bão
Nhiều bàn tay góp thêm sức quê mình
Góp mồ hôi, nhiều gian nhà thêm nghĩa thêm tình
Nhiều chái bếp thơm mùi cơm gạo mới
Nhiều lời động viên, chia sẻ buồn đau.

Anh đưa em về thăm quê. Sau bão
Dáng đứng quê hương gan góc trước bão đời
Những con người vẫn nở nụ cười tươi
Đời vẫn đẹp, mắt trẻ thơ trong sáng.
Sau bão, bầu trời thêm xán lạn…

Tạp bút

MỘT THUỞ KHOAI MÌ…

Hôm rồi, đi ăn buffet, tình cờ tôi được ăn lại món khoai mì hấp với nước cốt dừa. Cái món khoai mì vốn từng ăn thường xuyên, rất gần gũi, quen thuộc vậy mà lần này ăn ngon lạ. Bỗng nhiên, đó không còn là một món ăn đơn thuần nữa mà như là một phần của ký ức.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, những năm đói kém, cơm độn khoai mì diễn ra hàng ngày. Tôi còn bé được ưu tiên gợt cơm ăn riêng, còn người lớn thì gần như chỉ ăn khoai mì. Thế nhưng tôi cũng “ăn thêm” vài khúc khoai mì thơm bùi, nhai tới nhai lui thấy ngòn ngọt; lắm lúc mắc nghẹn phải uống nước cho trôi. Để đổi khẩu vị, nội tôi lâu lâu trộn thêm với dừa; loại nhiều bột thì quết thành viên to, trộn lẫn với dừa nạo và một chút đường; loại dẻo thì rưới nước cốt dừa pha chút muối. Có thêm dừa, khoai mì thêm ngọt, thêm béo, thêm bùi, ăn trừ cơm vẫn không thấy chán.
Những bữa đi học, thi thoảng được cho vài đồng bạc, tôi vẫn hay chọn mua mấy khúc khoai mì gói trong lá chuối, vừa đi đường vừa nhấm nháp. Đôi khi, không thích thì mua bánh tầm, một loại bánh cũng được làm từ khoai mì mài nhuyễn rồi hấp chín, xắt thành sợi dài, hay nhuộm xanh đỏ, ăn với muối mè, dừa nạo, vốn là món ăn khoái khẩu của đám trẻ nhỏ. Tôi vẫn nhớ cái mùi thơm cùa dừa lẫn với mùi đặc trưng của lá chuối thành một thứ mùi rất đặc biệt, dân dã, bình dị mà đậm đà.
Không chỉ vậy, khoai mì được đưa vào đám tiệc ở nhà quê với những món ăn rất ngon. Đó là món cà ri với những viên khoai mì nhỏ vắt lại từ bột củ khoai mì mài ra. Nấu chín, những viên khoai mì (ở thành thị, người ta thay bằng khoai lang hoặc cà rốt) vàng ươm, thơm lừng, ăn vừa dẻo vừa bùi. Hay món bánh khoai mì nướng, cũng được làm từ bột khoai mì mài, ăn với nước cốt dừa, rất thơm ngon!
Sau này, gia đình tôi chuyển đến quê mới. Lúc này không còn khó khăn như trước nên không ai phải ăn độn khoai mì nữa. Nhà tôi cũng trồng nhiều khoai mì, vốn để làm thức ăn cho heo. Nơi này đất tốt, có những bụi khoai mì nặng hàng chục ký. Lâu lâu, đám bạn học ở thị trấn rủ nhau vào nhà tôi chơi, tôi chọn những bụi khoai mì còn non, củ cỡ cườm tay, đào lên làm món luộc hoặc nướng. Bữa nào có thì giờ, tôi mài và làm món bánh khoai mì hấp hoặc chiên. Riêng món bánh cay vốn là một “đặc sản” của nhà tôi, bởi không chỉ với khoai mì, ớt hiểm có sẵn trong vườn nhà mà cách làm cũng ít giống với người khác. Bột khoai mì sau khi mài nhuyễn, trộn với chút đường, muối và ớt, vắt thành vắt nhỏ, chiên vàng giòn, vừa ăn vừa hít hà và… nhớ đời! Mấy đứa bạn dân chợ rất thích thú với những món ăn này, có đứa còn gọi tôi là “bộ đội”, bởi ăn khoai mì như… bộ đội. Từ đó, tôi “chết danh” là “bộ đội”, như là một tiếng gọi thân mật của những đứa bạn thân.
Lần hồi, tôi rời quê lên thành phố học. Món khoai mì cũng không còn quen thuộc nữa. Mỗi lúc gặp lại món này, tôi lại nhớ đến bà nội, đến một thuở khó khăn, dĩ nhiên không quên thời hoa niên hồn nhiên đẹp đẽ. Càng có tuổi, tôi lại thấy món khoai mì trở nên một phần ký ức của mình, đầy kỷ niệm, xen lẫn cả vui buồn khó tả mà cứ ray rứt khôn nguôi.

CHÚC MỪNG BẠN PHẠM THỊ HOA

Bạn Phạm Thị Hoa (hiện đang sống ở Vũng Tàu) đã sinh một bé trai nặng 3,2kg vào ngày 22-7-2011 tại bệnh viện Từ Dũ. Vì biết muộn nên mãi hôm nay mới lên blog được. Mong các bạn thông cảm.

Xin chúc mừng (muộn) hai bạn Hoa - Hiến (vậy là các bạn có đủ nếp lẫn tẻ nhé!).

Chúc gia đình Hoa luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Bài sưu tầm

Nên “phanh” cái đà dùng từ Mỹ khi nói và viết tiếng Việt

QUẢNG THANH (New York, Mỹ)


Hiện tượng sính ngoại trong văn nói và văn viết ngày nay đã trở nên phổ biến, làm méo mó và dị dạng ngôn ngữ Việt. Sự lai căng trong văn hóa này là một thực trạng đáng báo động và cần được các cơ quan chức năng chấn chỉnh kịp thời.
Ngày nay nhiều phóng viên, ban biên tập báo, đài truyền hình nước ta dùng khá nhiều từ Mỹ trong khi nói và viết như: tuổi teen, hot girl, hot boy, rất hot, idol, catwalk, forum, VTV Awards 2011, gallery, beauty care, game, fair play, crazy fan, live show, topic, “street-style mùa đông”, “Update xì-tai shorts cho mùa đông”, “4 xì-tai mix đồ siêu cute với ankle boots”, “gây shock”, “Mini-skirts sắc màu”, “theo xu hướng bodysuit”, “công ty thực hiện concert của JYJ tại Seoul xin lỗi fan”, “ừ ok”, “bye nhé”, “hi, tới lâu chưa?”, “cực chất cho teenboy”, “thời trang nude”...
Những từ đã Việt hóa từ lâu như “cà phê” từ tiếng Pháp “café” cũng viết lại theo tiếng Mỹ “coffee”... Tên nhiều cửa hàng viết toàn chữ Mỹ kể cả ở những nơi chỉ toàn dân lao động tới mua sắm. Tên sản phẩm như áo thun sản xuất ngay trong nước và cũng khó xuất khẩu mà phần lớn đưa đến các miền xa, miền núi, miền dân tộc thiểu số mà cũng in những nhãn hiệu rất oai kiểu James Bond, Western Cowboys của Mỹ...
Đó là chuyện của người lớn mà trong số họ có rất nhiều người gây ảnh hưởng rất lớn đến thanh thiếu niên vì họ xuất hiện thường xuyên đầy oai phong, duyên dáng, hấp dẫn trên ti vi, trên báo, đài... Cho nên không lạ gì, một học sinh lớp 12 đã “sành điệu” hỏi các thầy trong ban tư vấn: “Các ngành nghề mà các thầy cho là “hot” hôm nay, liệu khi bọn em ra trường có còn “hot” hay không?”.
Còn lớp trẻ, đang học cấp 2, cấp 3, sinh viên đại học thì “sành điệu” với ngôn ngữ “chat” như: “ pan lam gj thja?” (bạn làm gì thế), “nhiu” (nhiều), “iu” (yêu), “bit, pjt, pit” (biết), “thui rùi” (thôi rồi), “wá” (quá), “Wey! Hum wa kỉm tra Dzăn làm được hok?” (Này! Hôm qua kiểm tra Văn làm được không?), “Seo dzạ? (^o^) Chiện là dư thế lào?” (Sao vậy, chuyện là như thế nào?)(1). “Hum ni là sn of e và là ngày kỷ niệm 4 ty of chúng mình” (Hôm nay là sinh nhật của em và là ngày kỷ niệm cho tình yêu của chúng mình), “Tua^n` naizz` hum~ koa’ gi` dang’ ke^~... hum~ lum` dc gi` hit” (Tuần này hổng có gì đáng kể... hổng làm được gì hết)(2).
Đã có những người lên tiếng báo động sự nguy hại của lối dùng từ Anh Mỹ thiếu trách nhiệm và lòng tự trọng dân tộc này(3). Gần đây, nhân Ban biên tập của Oxford English Dictionary vừa thông báo đã bổ sung vào quyển từ điển một số từ của “ngôn ngữ chat”, thì một số người nước ta cũng đề nghị đưa ngôn ngữ “chat” vào từ điển tiếng Việt. Điều này bị khá nhiều người phản đối trên báo in và báo mạng(4).
Người viết bài này chỉ nêu lên một chi tiết rất nhỏ thôi: “ngôn ngữ chat” trong tiếng Anh, dù người sành tiếng Anh có thể không hiểu nghĩa nếu không được giải thích, nhưng diện mạo của các từ ấy là diện mạo của những từ tiếng Anh, cho nên chúng có nằm trong câu tiếng Anh, hay trong Oxford English Dictionary thì cũng không có gì trái lắm, trong khi diện mạo các từ của giới chat Việt thì không phải diện mạo của một từ Việt, chẳng hạn: sn of e (sinh nhật của em), 4 ty of us (cho tình yêu của chúng ta), Wey! Hum wa (Này! Hôm qua)... thì không có diện mạo của từ Việt chút nào hết, vậy không có lý do gì nằm trong câu văn hay từ điển tiếng Việt cả.
Những hiện tượng học đòi, bắt chước trên đây của một số người hiện nay khác hẳn với tư cách của các nhà trí thức thuộc thế hệ cha ông chúng ta. Chẳng hạn, dưới thời Pháp thuộc, những nhà văn, nhà báo trong “Tự Lực văn đoàn”, dù họ học mọi thứ bằng tiếng Pháp từ lớp mẫu giáo cho đến các chuyên ngành ở đại học, văn bản giao dịch với chính quyền thực dân hoàn toàn bằng tiếng Pháp; họ giỏi tiếng Pháp, thấu hiểu văn hóa Pháp hơn rất nhiều so với lớp trẻ ngày nay giỏi tiếng Anh, thấu hiểu văn hóa Mỹ, nhưng vì họ có lòng tự trọng dân tộc Việt, ý thức được trách nhiệm của người trí thức đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khiến họ viết văn, viết báo tiếng Việt không lai căng tiếng Pháp, văn hóa Pháp như lớp trẻ ngày nay lai căng tiếng Mỹ, văn hóa Mỹ.
Nếu một từ tiếng Pháp mà chưa có từ tương đương trong tiếng Việt thì họ phiên âm ra tiếng Việt, chẳng hạn từ café của Pháp, họ phiên âm để viết qua tiếng Việt là cà phê, từ tournevis thành tuốc nơ vít , từ album thành an bum... chứ đâu có “loạn xà ngầu sành điệu” như các trí thức trẻ ngày nay: viết nguyên tiếng Mỹ: coffee, album, fan, hot, bodysuit, Mini-skirts, “4xì-tai mix đồ siêu cute với ankle boots”, “Phong cách cực chất cho teenboy”...
Còn nếu so sánh với đại đa số dân các nước và vùng lãnh thổ quanh ta như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì ta càng thấy chúng ta hiện nay thua họ rất xa trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Mặc dầu dân các nơi ấy tiếp xúc với văn hóa Mỹ sớm hơn Việt Nam ta khá lâu, tổng số người của họ đi học ở Mỹ cũng vượt xa chúng ta, kim ngạch giao thương giữa họ với Mỹ cũng nhiều hơn ta, họ cũng đã học tập khoa học kỹ thuật của Mỹ để hiện đại hóa đất nước họ hơn ta rất nhiều, sản phẩm mang hàm lượng chất xám của họ xâm nhập vào thị trường thế giới, đến Mỹ hơn ta rất nhiều, nhưng họ vẫn giữ lòng tự trọng dân tộc, giữ truyền thống văn hóa, ngôn ngữ ít lai căng hơn ta khá nhiều. Chẳng hạn, kỳ thi Robocon quốc tế do Thái Lan tổ chức vào tháng 5/2011(5) sẽ có nhiều đoàn nước ngoài tham dự, kể cả đoàn của Việt Nam ta, mà họ chọn cái tiêu đề cuộc thi hoàn toàn bằng tiếng Thái là “Loy Krathong”.
Hình ảnh trong lễ hội Loy Krathong(6).
Không phải vì họ không biết tiếng Anh, tiếng Mỹ nhưng họ ý thức rõ là nhân cơ hội cuộc thi Robot này, người Thái muốn quảng bá với bạn bè quốc tế Lễ hội Loy Krathong, một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc họ mà họ luôn trân trọng bảo tồn. Trong lễ hội này họ cử hành các nghi thức để tôn vinh Nữ thần sông nước, cầu xin Nữ thần tha thứ việc họ làm ô nhiễm sông nước, ban hạnh phúc, an vui và thịnh vượng cho họ. Lễ hội Loy Krathong cũng là một biểu tượng cho sự loại bỏ cái ác tâm, sân hận, sự làm ô uế của con người để có thể bắt đầu một cuộc sống tươi đẹp hơn(7).
Trong khi ở ta thì sao? Giải Ca nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam năm 2011 chỉ gồm toàn ca sĩ Việt Nam tham dự mà báo, đài, ti vi cũng loan rầm rộ cái tên Mỹ: VTV Awards 2011; Hội Thơ xuân tại Văn Miếu năm 2011 cũng kèm theo một chút Mỹ: Blog Xuân 2011; một cuộc thi ở Đại học Kinh tế cho sinh viên cũng mang tên Mỹ Dynamic; đợt đưa thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh về miền biển trước Tết Tân Mão (năm 2011) để các em hiểu giá trị sự gắn bó trong cuộc sống gia đình người dân quê cũng đặt tên Mỹ “Hi! Teacher”...
Một thí dụ khác là hãng Hàng không Hàn Quốc đã từ lâu mở các chuyến bay của họ tới nhiều sân bay trên đất Mỹ, thế nhưng trên các chuyến bay của họ, nếu du khách muốn uống bia, họ sẽ mời lon bia do họ sản xuất mà ngoài cái tên Hike và một dòng chữ rất nhỏ bằng tiếng Anh cảnh báo phụ nữ mang thai không nên uống bia, còn lại mọi thông tin trên vỏ lon bia hoàn toàn bằng chữ Hàn; bạn muốn uống một ly trà xanh, họ mời bạn một chén trà với gói trà xanh in toàn bằng chữ Hàn, không một từ tiếng Anh kiểu “green tea” như ta. Họ cố ý như thế để tự hào sản phẩm do họ sản xuất là có chất lượng cao, là thương hiệu của chính dân tộc họ.
Sự học đòi sử dụng từ Mỹ đến mức nhiều từ tiếng Việt bị “tuyệt tích giang hồ” trong mấy năm trở lại đây. Chẳng hạn, danh từ “người dẫn chương trình” hay “người điều khiển chương trình” thì tuyệt tích trên báo, trên đài phát thanh, đài truyền hình vì giới sành điệu chỉ biết dùng từ Mỹ là MC (Master of Ceremonies) mà phải đọc cho đúng giọng Mỹ là “Em Xi” mới là sành điệu! Và chính những MC này dù rất giỏi tiếng Việt, ăn nói bay bướm và lưu loát tiếng Việt hơn người mà cũng đã “quen bén” nhiều từ tiếng Việt. Chẳng hạn, khi tỏ thái độ ngạc nhiên, hay reo mừng cái gì đó thì họ đã quên béng các từ Việt như “Chà! Ôi chà! Ô! Tuyệt quá...” mà bắt chước y hệt người Mỹ hét lên “Wow! Wow! Wow!”. Có thế mới là MC “sang”, mới là MC “sành điệu”.
Ảnh minh họa.
Theo cái đà này, có thể chẳng bao lâu nữa, học sinh con nhà khá giả ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội khi gặp thầy, cô giáo thì sẽ không còn chào một cách thuần Việt nữa, như “Kính chào thầy”, “Kính chào cô”, mà đưa một tay lên và nói “Hi! Teacher”. Rồi cũng có thể, chẳng bao lâu nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo và giám khảo các kỳ thi như tú tài, đại học… sẽ phải điên đầu, không biết phải nên cho điểm như thế nào khi mà trong bài thi của thí sinh đầy rẫy “ngôn ngữ chat” và tiếng Mỹ!
Không những trong ngôn ngữ, mà từ khi đổi mới năm 1986 đến nay, một bộ phận người Việt được cơ hội bung ra học tập thoải mái mọi thứ của người ngoài một cách không chọn lọc khiến cho nhiều hiện tượng quái đản đang xảy ra khắp nơi trong nước ta. Chẳng hạn, mê tín dị đoan và sính ngoại. Kéo nhau tới xin “nước thánh”, mua “thuốc thánh” để chữa bệnh… Chen lấn dẫm đạp lên nhau để giành lấy ấn đền Trần.... Đốt nhà lầu nhiều tầng, xe hơi đời mới, điện thoại di động, máy tính... bằng giấy cho người quá cố. Rải giấy in giả tiền đô la Mỹ đầy đường sau xe tang...
Quái thật, khi còn sống là dân Việt, hằng ngày dùng tiền Việt mà khi chết chưa kịp chôn lại được diêm vương đổi ngay quốc tịch thành ma Mỹ, nên chê tiền Việt, chỉ xài toàn đô la Mỹ! Cũng vì học đòi thói sính ngoại từ âm phủ đến dương gian mà ngay trong việc lì xì cho con nít trong mấy cái Tết gần đây, nhiều người cũng chê tiền Việt, đòi đổi cho được tờ 2 đô la Mỹ để bỏ vào bao lì xì, khiến cho các ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh phải một phen lao đao vì không đủ tờ bạc 2 đô la Mỹ để bán ra cho vô số người cần!
Tương tự, các dân tộc chung quanh ta vẫn giữ cái cung cách chào khách rất khiêm cung với đôi tay chắp lại, cúi đầu khá thấp, chào rất kính cẩn. Đó là một trong những nét đẹp trong văn hóa truyền thống mà cha ông họ đã chắt lọc và họ luôn trân trọng giữ gìn. Còn Việt Nam ta thì sao? Phải chăng trên con đường phát triển của đất nước, chúng ta hay có thái độ quá khích, đạp đổ mọi cái mà do hoặc nóng vội, hoặc do thiếu tầm văn hóa, chúng ta đã hồ đồ cho là phong kiến, hủ lậu cản trở sự phát triển xã hội.
Rồi từ năm 1945 đến 1985 vì cần phải chống ngoại xâm, xây dựng đất nước trong hệ tư tưởng xã hội mới nên cần phải thủ tiêu mọi cái được cho là tàn dư của phong kiến, thực dân, khiến nhiều giá trị đích thực trong văn hóa truyền thống của cha ông bị loại bỏ luôn. Người viết đã từng đọc một đoạn viết của một nhà trí thức lớn, đại ý nói “tôi thà thấy trẻ con của ta giương mắt ốc ra mà nhìn khách hơn là thấy chúng vòng tay cúi đầu chào khách”(!). Chính vì vậy, ngày nay, trẻ em, học sinh và cả người lớn Việt Nam ta không có cách chào khách chuẩn mực nào cả, cứ tùy cơ ứng biến một cách lúng túng.
Người lớn, trong những giao tiếp chính thức thì theo phong cách bắt tay của phương Tây, nhưng nhiều khi thấy không tự nhiên như người phương Tây. Đã từng có một số hình ảnh cho thấy trong khi một số nhà ngoại giao hay quan chức Nhật, hay Hàn chắp hai tay cúi thấp đầu khiêm cung chào một quan chức Việt Nam thì người quan chức của ta đang ngồi hay đang đứng không biết cách đáp lễ lại như thế nào, mà chỉ ngẩng cao đầu, đưa một tay ra bắt thôi!
Thật ra, cái việc chào khách bằng vòng tay cúi đầu, tự bản thân nó không là biểu hiện phong cách phong kiến, phong cách nô lệ, nó không cản trở cho việc văn minh tiến bộ của xã hội, mà trái lại đó phong cách khiêm cung. Người Nhật hay Hàn hiện nay chào khách còn gập người, cúi đầu thấp hơn cách của cha ông ta rất nhiều, mà ai dám bảo họ không tiến bộ, văn minh? Với cung cách chào khiêm cung ấy mà người Nhật đã đi học khoa học kỹ thuật của phương Tây để duy tân đất nước dưới thời vua Minh Trị Thiên Hoàng.
Hiện tượng quá đà trong cách dùng từ Mỹ này trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng nước ta phải chăng là biểu hiện rằng con cháu đã chê tiếng nói, chữ viết của cha ông ngay chính trên quê hương mình? Liệu đó có phải là biểu hiện của “sự tự nguyện làm nô lệ cho người”? Vậy nên chăng đã đến lúc các giới chức có thẩm quyền như Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tìm cách “phanh” lại cái đà tự nguyện này trước khi quá trễ!
(1), (3)
Hồng Ngọc: Đấu tranh bảo vệ bản ngữ là góp phần bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 22/12/2010).
(2), (4)
An Chi: Đưa ngôn ngữ chat vào từ điển, chẳng lợi lộc gì! (Tuổi Trẻ Online, 23/04/2011).
(5)
ABU Asia-Pacific Robot Contest 2011 Bangkok (Alias: ABU ROBOCON 2011 Bangkok) (http://www.aburobocon2011.com/).
(6)
Loy Krathong Festival, http://www.at-bangkok.com/articles_loikrathong.php.
(7)
History of Loykrathong, http://www.aburobocon2011.com/index.php?option=com_content&view=article&id=46&Itemid=53&lang=en.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BẠN LÊ THỊ THÚY VY (24-6)

Chúc bạn Vy luôn mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành đạt!

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Truyệ ngắn

HÒN BI BỊ MẤT HAI LẦN
(chuyện cũ của tác giả gần 30 năm giờ kể lại…)

Nắng chiếu lốm đốm xuống mặt sân sạch sẽ dưới tán cây vú sữa. Anh Tài và vài người nữa đang chơi bắn bi. Những hòn bi trong veo như mắt mèo điểm những cách hoa xanh đỏ mềm mại bên trong có sức hút kỳ lạ đối với Hải. Nó chăm chú theo dõi và khát khao có một viên. Tiếng bi chạm nhau côm cốp nghe sướng tai làm sao! Hải chờ đợi tiếng anh Tài:
- Hải ơi, cho em một viên này!
Nhưng bỗng có tiếng gọi:
- Hải ơi, tìm dùm anh hòn bi đi!
Thì ra trong lúc chơi, một viên bi bị bắn đi đâu mất. Bốn năm người xúm nhau đi tìm. Chợt Hải thấy một cái gì lấp lánh nằm trong bụi cỏ, cách hơi xa chỗ mọi người đang chơi. À thì ra hòn bi của anh Tài! Nó định kêu anh lại nhưng không hiểu sao nó vẫn lặng thinh. Rồi vờ như không tìm thấy, nó lảng kiếm ở nơi khác. Tìm chán không gặp, mọi người ra về. Anh Tài càu nhàu:
- Xui thiệt! Hòn bi đẹp nhất mất rồi!
Lúc đó, Hải hơi ân hận. Nó định chỉ cho anh Tài nhưng cái vân xanh – vàng – đỏ giấu trong khối thủy tinh tròn trong suốt lại làm nó quên hết. Nó đứng tựa vào cây vú sữa nhìn lấm lét. Nhưng anh Tài không để ý và đã bỏ đi.
Chờ có thế, Hải bước tới vài bước, cúi xuống nhặt hòn bi lên, giữ chặt trong lòng bàn tay nhỏ xíu. Đoạn, nó chạy ù vào nhà sau bỏ viên thủy tinh quý báu vào thau nước kỳ cọ, tắm táp. Trong nước, hòn bi chỉ còn cái vân ba màu: khối thủy tinh bao bọc xung quanh như đã biến mất. Hải càng thích thú.
Chợt có tiếng gọi:
- Hải ơi! Vào ngoại cho vú sữa nè!
Hải miễn cưỡng đứng lên rồi vào nhà. Một lát sau nó trở ra nhưng nét mặt buồn thiu. Nó lại bỏ viên bi vào thau nước. Nước mát hay viên bi xinh xắn đã làm làm Hải vui trở lại. Thỉnh thoảng nó mỉm cười sung sướng dù tiếng bà ngoại rầy rà vẫn văng vẳng trong nhà.
Hết tuần, chiều thứ bảy, mẹ đón Hải về nhà. Ngoại ôm nó phả mùi trầu cau nồng vào mặt rồi đưa cho nó bịch cốm nếp. Nó đưa hai tay đón nhận nhưng bàn tay phải chỉ chìa ra được hai ngón. Mẹ sung sướng nhìn Hải vì chưa bao giờ Hải vui vẻ như lúc này.
Con đường về nhà phải băng qua những cánh đồng. Lúa đã cắt xong, giờ chỉ còn thoang thoảng hương của rạ. Hải sung sướng bước lon ton trên bờ ruộng theo mẹ. Hòn bi được cất trong túi áo bên trái, nơi có trái tim đương đập rộn ràng. Tay cầm bịch cốm thơm lừng, vừa đi Hải vừa nhấp nháp ngon lành.
Đến một cây cầu khỉ, mẹ qua trước rồi quay lại chờ Hải, nhưng nó không qua vội. Ở mớn nước dưới mương, có một chùm lục bình nở hoa tím biếc. Hải bước lên cầu cầm một cái cây khom người xuống để vớt. Mẹ giục:
- Đi mau đi con. Té đó!
Nhưng “tõm” một cái. Mặt nước ngầu đục sủi tăm một chút rồi yên tĩnh trở lại. Hải sững người đứng ngay dậy buông cả cây và bịch cốm. Nó nghẹn ngào:
- Mẹ ơi hòn bi của con mất rồi!

CHÚC MỪNG BẠN NGUYỄN PHẠM LIÊN KHƯƠNG!

Ngày 25-5-2011, bạn Nguyễn Phạm Liên Khương đã hạ sinh một cô công chúa, nặng 2,9kg và được đặt tên là Lê Nguyễn Bảo Hân. Đây là nàng công chúa thứ hai của bạn Khương.

Chúc mừng bạn đã mẹ tròn con vuông (dù hơi muộn một tí)!

Chúc gia đình bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

12A2 Tân Phú

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Bài viết

HỘI KHUYẾN HỌC HUYỆN ĐỊNH QUÁN:
NGÀY CÀNG ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI

Mới ra đời gần 10 năm (từ tháng 9-2001), Hội Khuyến học huyện Định Quán đã đóng vai trò ngày càng tích cực hơn trong hoạt động khuyến học khuyến tài của huyện nhà, đặc biệt là giúp đỡ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học. Qua 2 nhiệm kỳ (2001 – 2005, 2005 – 2010), hoạt động của Hội ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu cao. Nhờ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện ngày càng được đẩy mạnh.

10 năm qua, công tác phát triển hội viên gắn chặt với phong trào vận động, xây dựng “gia đình hiếu học” nên số hội viên không ngừng được tăng lên. Đến nay, toàn huyện có 7.768 hội viên, trong đó ở nhiều xã, tỉ lệ hội viên đã tăng hơn gấp đôi trong nhiệm kỳ II (2005 – 2010), như Phú Lợi từ 293 lên 1.003, thị trấn Định Quán từ 397 lên 800, Túc Trưng từ 319 lên 686… Ngoài 14 hội xã, thị trấn, hiện Huyện hội còn quản lý 2 hội của 2 trường THPT và 1 hội của hội đồng hương.
Trong công tác vận động xây dựng “gia đình hiếu học”, 12/14 xã đã xét công nhận, trong đó các xã Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Tân, La Ngà đã tổ chức công nhận “gia đình hiếu học” lần III. Huyện hội đã tổ chức tuyên dương “gia đình hiếu học tiêu biểu” lần II vào tháng 6-2010. Đến cuối năm 2010, toàn huyện có 9.369 gia đình đăng ký “gia đình hiếu học”, trong đó 50 gia đình được tuyên dương cấp huyện, 15 gia đình cấp tỉnh và 2 gia đình cấp toàn quốc. Trong số này, có nhiều gia đình dù rất khó khăn nhưng vẫn vượt lên hoàn cảnh để cho con cái ăn học tới nơi tới chốn. Chẳng hạn, gia đình ông Huỳnh Bá Cần (xã Phú Vinh) làm rẫy, nuôi heo, có 10 người con tốt nghiệp đại học và cao đẳng; gia đình bà Võ Thị Thu Cần (xã La Ngà) bán tàu hũ nuôi 5 con vào đại học…
Trong công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học, qua 10 năm, thu được gần 5 tỉ đồng đối với Hội Khuyến học Định Quán là một kỳ công. Riêng trong nhiệm kỳ II, toàn hội đã vận động được gần 3,678 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Với đặc thù là huyện nông nghiệp miền núi, còn nhiều khó khăn, cơ sở kinh tế còn ít nên việc vận động không hề dễ dàng. Chỉ có tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì những tấm gương hiếu học, vượt khó mới của các cá nhân hội viên, của các hộ gia đình, các cơ quan, cùng một số ít cơ sở kinh doanh mới có thể đạt được con số đó. Chẳng hạn ở xã Túc Trưng, Thường trực động viên cơ quan UBND xã “mỗi tuần một ngày không uống cà phê”; ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên là “mỗi tháng tiết kiệm 2.000 đồng” để tiếp sức cho các sinh viên khó khăn... Một số đơn vị đã nhiệt tình đóng góp cho quỹ khuyến học huyện như Công ty TNHH AB Mauri Là Ngà (mỗi năm từ 30 – 50 triệu đồng), trường THPT tư thục Quốc văn Sài Gòn (năm 2010 hỗ trợ trên 200 triệu), UBND huyện Định Quán, Hội Khuyến học tỉnh Đồng Nai…
Nhờ đó, từ năm 2005 đến nay, Huyện hội đã cấp học bổng và khen thưởng 20.860 suất với tổng số tiền 2,438 tỉ đồng; tiếp sức sinh viên 191 suất với số tiền 276 triệu đồng, khen thưởng 1.714 lượt giáo viên với số tiền gần 180 triệu đồng…
Có một số mô hình vận động tích cực, có thể kể: Ở Túc Trung, Hội Khuyến học xã kiên trì vận động tại Hội thánh Tin Lành Túc Trưng và Giáo xứ Đức Thắng, nhờ đó 2 cơ sở tôn giáo này đã nhận cấp học bổng hàng tháng cho 70 học sinh nghèo người dân tộc Châu Ro (từ 70.000 – 100.000đ/suất) và hỗ trợ thêm 36 chiếc xe đạp, với tổng số tiền gần 450 triệu đồng.
Ở thị trấn Định Quán, với điều kiện kinh tế khá hơn so với mặt bằng chung nên công tác vận động cũng có thuận lợi. Điển hình là ông Trương Sĩ Quý (ấp 114), từ năm 2005 đến năm 2010, ông đã tặng gần 100 suất học bổng (từ 200.000 – 500.000đ/suất), tiếp sức cho 4 sinh viên (từ 1,2 – 1,5 triệu đ/suất)… Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học thị trấn đã vận động được trên 475 triệu đồng. Hội luôn chủ động phân công các thành viên Ban Chấp hành phối hợp cùng các chi hội tổ chức vận động tập trung các nhà mạnh thường quân để xây dựng quỹ hội. Nhờ đó, các chi hội có nguồn quỹ khá ổn định, như chi hội trường TH Chu Văn An có 50 triệu, trường TH Trưng Vương có 35 triệu, chùa Quảng Xá có 15 triệu…
Ở xã Phú Lợi, chi hội khuyến học dòng họ Lâm đã có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học của huyện. Dòng họ Lâm có 45 hộ với 250 nhân khẩu, 35 hộ được công nhận là “gia đình hiếu học”, hiện có hơn 100 con em đang học các bậc học. Với sự quan tâm đến việc học của con em trong dòng họ, từ năm 2007 đến nay, các thành viên trong họ đã tự nguyện đóng góp quỹ khuyến học của dòng họ. Trong 4 năm qua, chi hội đã khen thưởng cho 75 lượt em, cấp 7 suất học bổng, tiếp sức sinh viên cho 5 trường hợp… với tổng số tiền 18 triệu đồng.
Đặc biệt, Hội Khuyến học của Hội Đồng hương Hương Sơn (Hà Tĩnh) tại khu vực Định Quán được thành lập từ năm 2005, hiện đã có 95 gia đình với hơn 400 nhân khẩu vào Hội. Từ năm 2007 đến nay, quỹ khuyến học của Hội đã khen thưởng, cấp học bổng và tiếp sức đến trường cho hơn 100 lượt học sinh – sinh viên với tổng số tiền 35 triệu đồng. Với sự quan tâm, động viên của hội đồng hương, trong thời gian qua, hội có 47 học sinh giỏi cấp trường, 2 học sinh giỏi cấp huyện, 1 học sinh giỏi cấp tỉnh, 8 học sinh đậu đại học công lập và 1 sinh viên thi đậu một học bổng toàn phần du học nước ngoài trị giá 10.000USD…
Nói về những mục tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ III (2010 – 2015), ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Định Quán, cho biết: “Trong thời gian tới, Hội tập trung phát triển tổ chức hội và hội viên, đảm bảo đến năm 2015 có 100% chi hội trường học và ấp; tích cực vận động quỹ khuyến học để đáp ứng đủ nhu cầu trợ giúp học sinh nghèo học tập và khen thưởng học sinh giỏi, các tài năng trẻ, tiếp sức sinh viên, học bổng du học trường đại học châu Á dành cho nữ sinh…”

Bài đã đăng Báo Đồng Nai, ngày 20-1-2011

Truyện ngắn

LY CÀ PHÊ NGON NHẤT ĐỜI

Thành nếp, cứ đến ngày 20-11 là tôi thường về thăm thầy Minh. Những năm ngày Nhà giáo không rơi vào đúng ngày nghỉ thì tôi về những ngày trước đó. Thầy Minh chủ nhiệm lớp tôi năm cuối cấp III, nhưng là người dạy sử của chúng tôi từ nhiều năm trước đó.
Sáng hôm đó, tôi vừa từ Sài Gòn về và đến nhà thầy hơi sớm. Thầy đang ở trần làm việc nhà. Nhìn nước da đồng và cái vóc dáng chắc nịch không ai nghĩ thầy đã 65 tuổi, mà chỉ đoán chừng hơn 45 tuổi. Bù lại, tóc thầy bạc trắng từ mươi năm trước. Thấy tôi, thầy vội vã thay quần áo – vẫn quần xanh đen và áo sơ mi trắng giản dị như những ngày đến lớp. Thầy mừng rỡ bắt tay tôi, pha trà và không quên rót một ly rượu thuốc mời. Đó là một thói quen của thầy – bao giờ cũng mời rượu đối với những khách quý – mà chỉ một ly nhỏ thôi! Hàng năm, tôi thường đến thăm thầy hai lần, vào ngày Tết và ngày Nhà giáo. Thỉnh thoảng những ngày khác có đến và đều nhận được sự đón tiếp thân tình của thầy.
Sau ly rượu, thầy hỏi thăm tôi và gia đình. Tôi lại kể cho thầy nghe những “nét chính” trong công việc và gia đình của mình. Thầy hỏi thăm ba tôi, người từng nhiều lần được hiệu trưởng khen ngợi dưới cờ với từ mà thầy hay dùng là “ông nông dân tiêu biểu”. Thầy lại hỏi tôi sao không đưa con gái đến chơi. Tôi biết thầy không hỏi lấy lệ. Thầy thương trẻ con. Chính cô con gái đầu của thầy mất lúc mới mười tuổi...
Thầy trò chúng tôi đang nói chuyện chính trị – như phần lớn các cuộc nói chuyện khác trước đây – thì bên ngoài có tiếng xe. Không phải tiếng xe máy mà là ôtô. Rồi tiếng người í ới hỏi thăm nhà thầy Minh. Thầy bảo cô ra mở cửa nhưng rồi cũng đích thân bước ra ngoài xem. Xe mở cửa, một thiếu phụ ngoài bốn mươi tuổi, ăn mặc sang trọng bước xuống hỏi bằng một giọng lơ lớ:
- Thưa ở đây có phải là nhà thầy Minh không ạ?
Thầy đáp:
- Dạ phải, tôi là Minh đây.
Người thiếu phụ bước đến gần, tay dắt theo thằng bé chừng mười lăm tuổi, cao to, đẹp trai. Chị mừng rỡ nói:
- Vậy là em gặp được thầy rồi. Thầy có nhận ra em không ạ?
Thầy quay sang nhìn cô như để tìm “đồng minh” nhưng chỉ nhận cái lắc đầu rất khẽ. Thầy khoác tay:
- Thôi vào nhà đi, rồi ta nói chuyện.
Trong lúc tài xế lui xe vào sân thì mấy thầy trò bước vào nhà. Người thiếu phụ nói:
- Nhà thầy to quá! Em rất là mừng!
Thầy cười:
- Cũng mới xây được năm ngoái.
Khi đã yên vị trong nhà, thầy lại nhìn người thiếu phụ rồi hỏi:
- Em có học trường Tân Phú không?
- Dạ có, khóa 1982 – 1985.
Thầy trầm ngâm một lúc.
- Hình như nhà em ở cây số 117 Phú Hoa, bây giờ là xã Phú Vinh hay Phú Lợi gì đó đúng không?
Thiếu phụ cười rất tươi:
- Dạ đúng, thầy có trí nhớ rất tốt. Nhà mẹ em giờ vẫn ở chỗ cũ, nhưng thuộc xã Phú Vinh.
- Thầy nhớ ra rồi. Em là Voòng Kim Mai phải không?
Tôi chăm chú nghe và lặng lẽ quan sát. Khi thầy kêu lên ba tiếng “Voòng Kim Mai” thì thiếu phụ có vẻ rất xúc động. Chị nói lí nhí:
- Dạ, đúng, em là Voòng Kim Mai. Không ngờ đã hai mươi mấy năm mà thầy vẫn nhớ – Chị quay sang thằng bé bảo - Đây là con trai em, tên là David Lee. Nó sinh ra bên Mỹ nên nói được tiếng Việt rất ít. Thưa thầy đi con! Thầy của mẹ cách đây hơn 20 năm đó!
Thằng bé không chút ngại ngần, nói ngay:
- Tưa tầy!
Cái giọng của nó, tôi nghe cứ như người Pháp đang học tiếng Việt. Thầy cười bảo:
- Ngoan lắm! Đoạn thầy chỉ tôi, bảo – Đây là em Nguyễn Minh, cũng là học trò cũ của thầy, hiện nay làm nhà báo.
Tôi mỉm cười chào chị và trong lòng đã bắt đầu sáng lên một câu chuyện để viết bút kí hay viết truyện ngắn về cuộc gặp gỡ kỳ lạ này.
Từ đó trở đi, tôi chăm chú lắng nghe cho hết câu chuyện của hai thầy trò. Cô học trò Voòng Kim Mai xuất cảnh sang Mỹ khi học hết lớp 12 và hiện có cơ sở làm ăn bên Mỹ khá lớn, như “cái máu làm ăn” của phần lớn người Hoa ở khắp trái đất này. Hôm qua, chị đi tìm trường Tân Phú, nhưng ở chỗ cũ, bây giờ là trường THCS Lê Thánh Tông. Người ta chỉ ra trường trung học chuyên ban Tân Phú. Ra đó, nhằm ngày nghỉ, chỉ có ông bảo vệ. Ông bảo thầy Minh đã nghỉ hưu, nhà ở... Đến hôm nay chị mới tìm được đến đây. Cuộc trò chuyện của hai con người đến hơn hai mươi năm mới gặp mặt, thỉnh thoảng có thêm những câu “chêm mồi” của tôi dường như không có chỗ kết thúc. Bỗng có chuông điện thoại reo. Chị Mai ra ngoài nghe. Mấy phút sau, chị vào bảo:
- Thưa thầy, em muốn nhờ thầy giúp một việc.
Thầy Minh cười nói:
- Bây giờ thầy nghỉ hưu rồi, không nhờ các em thì thôi chứ giúp được gì? Nhưng mà em cứ nói, nếu không giúp được, thầy sẽ nhờ các đồng nghiệp của thầy giúp cho.
- Chuyện thế này thầy ạ. Chị Mai chậm rãi nói. Em sang bên Mỹ, sau mấy năm đi làm kiếm sống, mới thấy là không có trình độ thì thật khổ. Nên em cũng đã cố gắng lấy được tấm bằng đại học về quản trị kinh doanh. Nhờ đó gia đình em cũng bây giờ cũng tạm ổn. Cách đây mấy năm, có người bạn Mỹ đưa đứa em gái đến gặp em bảo giúp cho em nó bổ sung thêm chất liệu để làm luận văn cao học văn hóa học về đề tài “Tinh thần tôn sự trọng đạo của người Á Đông”. Em hứa là sẽ giúp nhưng quả thật là chưa biết giúp như thế nào. Hôm nay đi thăm thầy, em cũng chưa nghĩ ra là sẽ nhờ thầy giúp đỡ. Nhưng vừa rồi cô bạn cổ gọi điện nữa nên em mạo muội mong thầy nhận lời giúp cho. Em rất là cảm ơn.
Thầy Minh im lặng trong vài giây, dáng điệu trầm ngâm. Chị Mai có vẻ lo lắng. Còn tôi hết nhìn bên này đến nhìn bên kia để xem phản ứng của cả hai. Cuối cùng thầy lên tiếng:
- Thầy sợ không đủ sức để giúp chuyện này. Thầy đi dạy học nhưng cũng chưa bao giờ đúc kết lại là truyền thống tôn sư trọng đạo của người Á Đông mình thì thể hiện như thế nào.
Chị Mai cười, bảo:
- Chuyện đó thầy không phải lo. Cái mà em mong thầy giúp chỉ là kể những câu chuyện về đời dạy học của thầy, rồi những chuyện về mối quan hệ thầy trò, những tấm gương tôn sư trọng đạo mà thầy biết trong đời dạy học của mình, chứ không phải chuyện đúc kết đó đâu thầy ạ. Vì những điều đó đã có những tài liệu khác nói rồi.
Thầy Minh ngã người ra ghế cười sảng khoái:
- Tưởng gì chứ có vậy thì thầy giúp được thôi!
- Vậy em rất là cảm ơn thầy. Khi nào em nó sang, em sẽ dẫn đến gặp thầy và làm phiên dịch luôn, vì con bé này chỉ nói được tiếng Hoa và tiếng Anh thôi.
Rồi chị Mai ghi số điện thoại nhà thầy Minh. Câu chuyện lại nối tiếp với những hỏi thăm về cuộc sống của thầy Minh và chị Mai. Đến trưa, thầy Minh mời mẹ con chị Mai và tôi sang phòng bên ăn cơm do cô chuẩn bị sẵn. Trong bữa cơm, câu chuyện lại tiếp tục. Không khí thật rộn ràng.
Sau bữa trưa, chị Mai xin phép thầy Minh ra về. Trước khi đi, chị đứng lên nói:
- Biết thầy đang làm công tác khuyến học ở huyện, em nói thực, em cũng không là có biết tổ chức này, nhưng hôm nay vì em là học trò cũ của thầy nên em cũng mạnh ủng hộ hội một ngàn đô la. Nói thầy đừng giận, nếu không phải vì có thầy, chắc em cũng chưa biết rằng hiện lại có một tổ chức giúp đỡ học trò nghèo như vậy và cũng chưa chắc em chịu ủng hộ nếu như có được vận động. Dạ đây là tấm lòng của em, mong thầy nhận cho.
Nãy giờ thầy Minh cũng đứng lên nghe. Thầy cảm động đáp:
- Thầy rất cảm ơn em. Nhưng em bảo vì có thầy nên mới giúp cho hội thì hóa ra thầy ở trên hội sao? Thay mặt hội, thầy rất cảm ơn em. Nhưng em vui lòng chờ một chút để thầy gọi thủ quỹ của hội đến nhận tiền, vì thầy không có trách nhiệm giữ tiền quỹ của hội.
Tôi thấy vậy nên nói chen vào:
- Sao thầy không giữ rồi mai vào cơ quan trao lại cho thủ quỹ?
- Không được, thầy lắc đầu. Phải đâu ra đó. Tiền của hội thì chỉ có thủ quỹ giữ. Khi đi vận động, thủ quỹ phải đi theo để nhận tiền và ghi biên nhận. Hôm nay thầy nhận, mai thầy đưa cho thủ quỹ. Vui thì thôi, nếu buồn, hoặc có ai đó xấu bụng bảo học trò cũ của thầy Minh ủng hộ cho hội hai ngàn đô mà thầy chỉ đưa cho thủ quỹ có một ngàn thì thầy làm sao giải thích?
Chị Mai mỉm cười:
- Thầy cẩn thận quá!
Thầy Minh đáp:
- Đó không phải cẩn thận mà chính là nguyên tắc của hội mà cũng là nguyên tắc của thầy.
Nói rồi thầy gọi điện thoại cho chị Hương, thủ quỹ của Hội, đến nhận tiền.
Khi chị Hương nhận tiền xong, chị Mai ký xác nhận vào sổ và nhận lấy biên nhận thầy mới cho phép chị Mai về. Chị ra hiệu cho tài xế mang vào cho thầy Minh mấy túi quà, rồi bắt tay thầy ra về. David Lee cũng cúi đầu “chào tầy” ra về rất lễ phép. Ra xe tiễn hai mẹ con, thầy bảo:
- Cho thầy gửi lời hỏi thăm mẹ em nhé!
Còn lại hai thầy trò, tôi cố nán lại để nghe tiếp câu chuyện về chị Mai. Tôi nhận thấy hình như chị Mai không đơn thuần là một học trò cũ đã hai mươi năm rồi mới trở lại thăm thầy. Có lẽ có những điều gì đặc biệt hơn. Bởi vậy tôi hỏi:
- Hình như chị Mai hồi trước học rất giỏi nên thầy nhớ kỹ như vậy?
Thầy cười bảo:
- Không phải. Thầy hiểu ý em rồi. Hồi đó con em gia đình người Hoa đi học ít lắm. Nhưng con Mai không phải là đứa học giỏi hay có điểm gì đặc biệt để thầy nhớ kỹ như vậy. Có một chuyện mà bây giờ thầy mới kể…
Hồi đầu những năm 1980, thầy mới từ Hà Tĩnh vào dạy ở Tân Phú (bây giờ là huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), gia đình còn khó khăn lắm, mà lương giáo viên lại rất thấp. Nên ngày chủ nhật hoặc ngày lễ, thầy thường đi làm thuê cho mấy chủ rẫy người Hoa. Bấy giờ trên Phú Hoa hầu hết chủ rẫy là người Hoa, người Việt mình còn ít lắm. Thầy làm đủ thứ việc: làm cỏ, cắt đậu, tỉa bắp, trồng thuốc lá…, mùa nào việc ấy. Làm tuy cực nhưng cũng mua được thêm gạo, tính theo giá lúc đó, thì mỗi ngày đi làm được chừng sáu tới bảy ký gạo. Một hôm, thầy đi làm cho một bà chủ rẫy người Hoa ở km 117. Đến giờ nghỉ trưa, bà chủ mời thầy vô nhà ăn cơm. Điều này lạ lắm, bởi vì thường thì người làm công nhật phải tự mang cơm theo ăn. Thì thầy cũng ăn. Thời đó đói khổ thì sĩ diện làm gì. Bữa cơm cũng khá tươm tất. Ăn xong, bà chủ pha cho thầy một li cà phê sữa. Nói thật cho mày biết, chưa bao giờ thầy uống li cà phê sữa nào ngon như vậy. Hồi đó đường ăn còn thiếu nói chi đến sữa, chỉ có nhà khá giả mới có sữa thôi. Sau đó, bà chủ bảo:
- Tôi cần người làm nhưng không dám mướn thầy giáo làm đâu! Thầy thông cảm. Tiền công ngày hôm nay đây, bây giờ mời thầy về nghỉ.
Thầy rất ngạc nhiên vì sao bà ta lại biết thầy là thầy giáo. Bởi vì thầy tuy làm nghề dạy học nhưng từ nhỏ đã làm nông, rồi đi rừng. Sau này đi thanh niên xung phong, đi bộ đội thì cũng làm việc vất vả chứ đâu có theo kiểu nhà khá giả. Cho nên làm thầy thì cũng tay chai, mặt nám như người ta thôi. Thầy mới bảo:
- Tôi tuy làm thầy giáo nhưng ngày nghỉ cũng muốn đi làm thêm để kiếm tiền nuôi gia đình. Nếu chị thấy tôi làm không được việc thì chị cho nghỉ chứ còn vì tôi là thầy giáo mà chị cho nghỉ thì tôi cảm thấy không công bằng. Bởi vậy, tôi không nhận số tiền này vì tôi vẫn chưa làm đủ ngày công. Dù sao thì cũng rất cảm ơn chị.
Cuối cùng thì hôm đó thầy cũng làm hết ngày rồi mới về. Hơn năm sau, khi chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp III thì con Voòng Kim Mai đến nhà thầy chơi. Nó kể lại chuyện hôm đó nó thấy thầy vô nhà nó làm công nên mới nói lại với mẹ. Bà mẹ mới không cho thầy làm tiếp. Hồi đó thầy đâu có nghĩ ra, sau này nghe Mai nó kể thầy mới biết. Bữa nay Mai còn nhớ đến thăm thầy cũng thấy vui vui…
Tôi nghe xong câu chuyện thì trong đầu rối tinh lên những suy nghĩ và những xúc cảm. Quả thật có nhiều chuyện bất ngờ trong cuộc đời này và trong đó có nhiều chuyện về thầy Minh tôi chưa được biết, mà chắc rằng nhiều học trò khác của thầy cũng chưa được biết.
Sau đó, tôi xin phép hẹn thầy để con một cuộc phỏng vấn chính thức để viết về chân dung một nhà giáo suốt đời tận tuỵ với nghề dạy học và chăm lo cho học sinh nghèo. Thầy cười nói:
- Chuyện của thầy có gì đâu mà viết. Có viết thì em nên viết về hoạt động của hội khuyến học huyện trong công tác giúp đỡ cho học sinh sinh viên nghèo. Bữa nào đến thầy trò ta trò chuyện tiếp.
Tôi chào thầy ra về. Hôm sau tôi đến gặp thầy theo dự định. Mấy ngày sau, tôi viết xong bài dự thi viết về thầy cô giáo do một tờ báo của trung ương tổ chức. Bài viết của tôi sau đó được giải khuyến khích. Trong hôm phát giải, một thành viên ban tổ chức nói nhỏ với tôi:
- Nhân vật của cậu hay lắm nhưng cậu viết còn dàn trải. Nếu viết thành truyện ký thì hay hơn!
Tôi cảm ơn về lời nhận xét tế nhị và xác đáng của anh. Thứ bảy tuần rồi, tôi về quê và mang mấy tờ báo có bài viết về thầy Minh đến nhà thầy. Thật ngạc nhiên, hôm đó tình cờ sao cũng có nhiều thế hệ học trò của thầy vì bài viết của tôi mà đến thăm thầy. Tôi vào nhà được các anh chị đón chào nồng nhiệt. Quả thật trong đời làm báo của tôi chưa bao giờ vui và xúc động đến thế. Tôi trông thầy Minh cũng rất hạnh phúc. Câu chuyện đang vui thì chị Mai đưa một cô gái da trắng đến. Trong lúc mọi người chưa rõ chuyện gì, tôi liền giải thích vắn tắt về câu chuyện này. Mọi người ồ lên kinh ngạc. Chị Mai đưa cô Lisa Spencer vào chào thầy. Thấy có đông khách, chị định hẹn lại bữa khác, nhưng có một anh bảo:
- Chị đến hôm nay là đúng dịp đấy.
Cũng thật tình cờ trong số các anh chị học trò cũ có cả một anh là bạn cùng khóa với chị Mai. Thành ra hai người mải nói chuyện riêng với nhau. Thế là có mấy anh làm phiên dịch cho thầy và Lisa. Nhân đó, các anh chị thi nhau kể về những mối quan hệ tốt đẹp giữa người thầy và trò, về truyền thống tôn sư, về trật tự “quân – sư – phụ”, về câu chuyện của thầy Minh… Câu chuyện cứ thế kéo dài đến cả ngày. Bữa cơm trưa vội vã cũng không kịp làm gián đoạn câu chuyện.
Sau đó về nhà, tôi viết truyện ký Người thầy và hai cô học trò. Tôi sửa đi sửa lại nhiều lần cho thật ưng ý. Tôi gửi về cho thầy một bản để xin ý kiến. Mới sáng nay, tôi nhận được điện thoại. Thầy bảo:
- Thầy rất cảm động về bài viết của em. Nhưng chắc em nên viết lại hoặc khoan gửi báo. Trong bài viết em đề cao thầy quá. Thực ra thầy cũng chỉ là một thầy giáo bình thường thôi, có chăng là thầy có may mắn là trong số các học trò của thầy có những em đặc biệt. Chính các em đã mang lại hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa cho thầy chứ không phải thầy có làm được điều gì đáng kể đâu!...
Tôi dạ dạ liên hồi. Trong lòng bỗng thấy thêm thương người thầy giáo già đáng kính. Tôi dự định, qua mấy năm nữa, sinh nhật lần thứ bảy mươi của thầy, tôi sẽ hoàn chỉnh truyện kí này và đưa đăng báo để làm quà mừng thọ thầy… Tôi cảm thấy thật vui!

10-12-2005

Bài thơ

TỨ TUYỆT CHO THẦY CÔ GIÁO

1. NGƯỜI THẦY VÀ NGƯỜI ĐƯA ĐÒ (I)
Sống là cho
Nhiều người nhận
Dành riêng mình
Phần nhỏ nhất.

2. NGƯỜI THẦY DẠY TOÁN
Những bài toán đố
Giải cả cuộc đời
Những câu hỏi khó
Mở ra chân trời.

3. CÔ GIÁO DẠY VĂN
Mỗi lời giảng của cô
Mở bầu trời tri thức
Mỗi câu dạy ban sơ
Gợi cả niềm hạnh phúc.

4. THẦY GIÁO DẠY SỬ
Mỗi câu chuyện kể ngày xưa
Thầy gieo bài học cho vừa ngày nay.
Ngàn năm còn chuyện ngày mai
Bài học lịch sử ngàn đời chẳng phai.

5. NGƯỜI THẦY VÀ NGƯỜI ĐƯA ĐÒ (II)
Phấn trắng bảng đen gieo tri thức
Không thầy hỏi thử mấy ai nên
Có thầy hỏi thử bao người nhớ
Chuyến đò hạnh phúc ấy đừng quên!

6. NGƯỜI THẦY VÀ NGƯỜI ĐƯA ĐÒ (III)
Dạy lễ dạy văn, nên người thành đạt
Thầy đã dạy ta bằng cả cuộc đời
Đâu chỉ kiến thức một thời bay nhảy
Cuối ngày ngoảnh lại, đấy một CON NGƯỜI.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Tạp bút

BÀI HỌC CHƠI CỜ

Tặng bạn Phạm Quốc Thắng


Ba tôi hay mượn chuyện cũ để dạy con. Một trong những chuyện mà tôi nhớ nhất là bài học về đánh cờ tướng. Hồi còn thanh niên, ba tôi chơi thân với chú Hòa. Hai người hay đánh cờ với nhau. Sức cờ của ba tôi không bì được với chú Hòa nên đánh thua luôn, có khi ba bốn ván liền. Thậm chí có ván còn bị ăn hết quân. Ván nào khá lắm thì mới cầm hòa hoặc thắng được thì cũng may thôi! Thắng trận, chú Hòa thường “gáy”, ba tôi rất tức tối. Nhưng rồi cũng thôi, ba tôi không vui nhưng cũng không để bụng. Chỉ chơi cờ thôi mà!
Một bữa ba tôi sang nhà không gặp chú Hòa mà có bác Hai, anh của chú ở nhà. Anh em vui vẻ đem cờ tướng ra chơi. Bác Hai chơi rất kỹ, chậm rãi, nước nào cũng chắc chắn. Bữa đó hòa, mỗi người thắng một ván. Những lần sau, đánh với bác, ba tôi thua nhiều hơn thắng, nhưng chỉ thua sít sao, 2-1 hoặc 3-2, thường chỉ hơn một vài quân chốt. Ba tôi tuy thua nhưng cũng lên cờ và thấy rất hài lòng. Một lần cao hứng ba tôi nói: “Sức cờ của anh chắc không bằng thằng Hòa?”. Bác Hai cười ngất: “Trời, cờ thằng đó mới sạch nước cản. Sách cờ ở nhà nó mới đọc được có một nửa hà!” Nói rồi bác chỉ chồng sách cờ về khai cuộc, cờ thế, cờ tàn, các ván cờ hay để trên đầu tủ cho ba tôi xem. Ba tôi không tin: “Anh nói sao chứ thằng Hòa nó ăn tôi như ăn gỏi”. Bác Hai lại cười: “Chú không tin hả, tôi chấp chú con xe đánh thử”. Ván đó, tuy nhiều hơn quân xe nhưng cờ ba tôi kẹt cứng, chẳng triển khai tấn công được, muốn thí quân cũng không xong, đành thúc thủ. Ba tôi phục sát đất.
Ba tôi bảo: qua đánh cờ mà biết tính người; chơi cờ cũng là thể hiện cách sống. Khó khăn không lùi bước, mạnh dạn tiến lên nhưng cũng có lúc biết lui về phòng thủ; thắng không kiêu, bại không nản; gặp kẻ mạnh không sợ, thấy kẻ yếu không khinh… Có lẽ vì học được điều này, tôi giống ba ở chỗ đánh cờ hay lên tượng trước, rồi thả mã lên lần lần, giăng pháo hai bên, đưa xe giữ hà, một cách chậm chạp, khá chắc chắn. Nhiều người bảo đó là kiểu “cờ già”. Có lẽ đúng!
Ba tôi cũng hay nhắc chuyện chú Hòa. Chú rất giỏi võ, có lần ở bến xe, hai tay ôm hai con gà đá mà đánh nhào hai gã móc túi. Ngoài món đá gà, chú cũng mê đánh bài nữa. Ba nói: “Nó háo thắng để lấy phần của người khác thành ra cuộc đời sướng ít buồn nhiều, vui ngắn sầu lê thê…”
Tôi rất tâm đắc bài học làm người từ chuyện đánh cờ này!

Tạp bút

NƯỚC ĐỒNG NAI…

Dân gian có câu: “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Các nhà nghiên cứu cho rằng, từ trước năm 1820 (năm ra đời Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức), người dân Gia Định (mà cũng là miền Nam) đã sử dụng câu này. Theo Trịnh Hoài Đức, nước sông Đồng Nai nổi danh mát, sạch, ngon, ngọt, nếu dùng nấu pha trà thì ở Nam bộ không nơi nào sánh bằng. Mà Đồng Nai cũng nên hiểu là vùng miền Đông nói chung. Còn về thức ăn, gạo ở huyện Cần Đước là ngon nhất. Ở Long An có hàng chục loại gạo bắt đầu bằng từ nàng: nàng chò, nàng co, nàng hương, nàng minh, nàng quất, nàng rẫy, nàng rừng, nàng sóc, nàng thơm, nàng tri… Trong các loại lúa trên thì nàng thơm ở chợ Đào là nổi tiếng nhất. Chợ Đào là một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kênh Xóm Bồ chảy qua xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (tỉnh Long An)…
Hồi nhỏ, gia đình tôi sống ở Đồng Nai. Nơi đó khá xa sông Đồng Nai nên trong suy nghĩ của tôi, “nước Đồng Nai” có thể chỉ nước nói chung, chứ không nhất thiết là nước sông. Nhưng quả thật, nước giếng Đồng Nai rất trong, ngọt và mát. Các mạch nước ngầm nằm sâu dưới các tầng đá cổ, các lớp đất badan nên có sự tinh khiết…
Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là sự khan hiếm nước vào mùa khô. Ở vùng cao nguyên, trừ những chỗ gần sông, gần suối, còn lại thì không thể tìm được nguồn nước sạch. Tôi vẫn nhớ như in những buổi theo người lớn đi thồ nước ở các bàu nước. Bàu là một cái đầm, một cái hồ nhỏ, vốn là một chỗ trũng sâu xuống, dưới đáy có thể có một số mạch nước ngầm. Dù sao thì bàu cũng là một dạng ao tù. Mùa nắng, những người quanh vùng cùng đến đây để gánh nước, thồ nước, tắm giặt. Nhiều người nhảy ùm xuống làn nước mát lạnh để vùng vẫy, trong khi nhiều người khác xách nước lên bờ để giặt đồ hoặc tắm. Nước đó cũng được mang về nhà làm nước nấu ăn… Hồi nhỏ, tôi thấy bình thường nhưng bây giờ nghĩ lại quả là mất vệ sinh!
Ở những nơi không có bàu, người ta phải đến các giếng đào để lấy nước. Một cái giếng thường có miệng rộng từ 1 – 1,5m, sâu từ 20 – 30m. Thành giếng được ốp các hòn đá; trên miệng có bắc những thanh gỗ để gắn một trục quay nước và làm chỗ đứng chân. Nhìn xuống đáy giếng sâu hoắm, tôi thường rùng mình… Đào được một cái giếng quả là kỳ công bởi phải vừa đào bới đất, vừa đưa những hòn đá lên trên; nhiều khi phải dùng thuốc nổ để đánh vỡ những tảng đá lớn… Hồi đó, chỉ những nhà khá giả mới có giếng…
Nhưng đi lấy nước cũng là việc kỳ công. Vào buổi sáng sớm hoặc cuối ngày, thường có đông người đến lấy nước nên phải xếp hàng chờ đợi để rồi phải vất vả quay từng thùng nước cho vào các thùng phuy (loại 120 lít) hoặc các can nhựa (loại 30 lít) rồi đẩy xe đạp hoặc xe thồ về nhà. Có người còn phải gánh. Để đỡ phải mang nước đi lại, nhiều người mang quần áo đến giặt tại chỗ.
Từ hồi nhỏ, tôi đã theo người lớn đi lấy nước. Lâu lâu tham gia quay nước vài cái thì đã vã mồ hôi, thế nào cũng xin nửa thùng nước để xối ào một cái và tận hưởng làn nước mát thấm vào da thịt. Chưa biết đẩy xe thồ thì đi “tăng bo”, đẩy phía sau khi lên dốc hoặc kéo lại khi xuống dốc. Lớn một chút thì “cầm tài”, chân trần phăm phăm trên những con đường đầy đá sỏi. Về đến nhà, từng ca nước đều quý báu thì bao nhiêu giọt nước là bấy nhiêu giọt mồ hôi… Ấy vậy mà có hôm thồ được nửa đường thì trời mưa to, tôi phải đành đổ cả xe nước để đẩy xe không về. Hôm khác, đi nửa đường thì càng xe bị gãy, xe thồ bị ngã, nước đổ lênh láng, về đến nhà, ba tôi cứ xuýt xoa, “may mà con bị không sao”…
Bây giờ quê tôi không còn những cái giếng đào kiểu đó nữa. Cũng không còn ai đi đẩy từng thùng nước. Ở những trục đường chính, nước máy đã đến tận nhà; trong rẫy thì hầu như nhà nào cũng có giếng khoan, bơm bằng máy nổ hoặc bằng điện. Tệ nhất cũng đã chở nước bằng xe máy, đổi từ các “cây nước” công cộng. Nước Đồng Nai bây giờ có lẽ vẫn mát rượi nhưng ngọt hơn, vì không còn pha thêm những giọt mồ hôi…
Tôi hay kể chuyện lấy nước hồi nhỏ để nhắc các con tôi phải luôn tiết kiệm nước!

Tạp bút

SINH NHẬT


Là người mở blog này, lâu lâu, đến sinh nhật bạn nào trong lớp, tôi lại post lời chúc mừng. Không biết có bao nhiêu bạn thấy lời chúc mừng này để trực tiếp gọi điện, gửi tin nhắn chúc mừng bạn... Thậm chí tôi cũng không biết người được chúc mừng có biết không nữa... Thành ra, lâu lâu, tôi lại gửi link đến cho vài bạn để... nhắc nhở!

Nhưng hôm rồi đến sinh nhật của mình, tôi nghĩ, chẳng lẽ tự mình post lời chúc mừng chính mình. Cũng chẳng lẽ mượn danh ai đó để gửi lời chúc? Kiểu nào cũng không ổn. Thành ra... làm thinh! Có lẽ vì thế mà chẳng bạn nào nhớ nên không ai gửi lời chúc mừng. Trừ Tống Quế, bây giờ không biết Quế gửi lời chúc trong vai là bạn hay là em rể nữa!

Nhớ ngày nào, sinh nhật là một dịp để bạn bè gặp gỡ nhau, hàn huyên đủ thứ. Có đứa đạp xe cả chục cây số để đến nhà trọ mà gặp nhau. Những món quà nho nhỏ, những lời chúc dễ thương, những bữa ăn vui vẻ... Tôi nhớ mãi những cánh thiệp xinh xinh, của Duy, Ngọc, Trung, Thủy, Hằng... Tôi giữ những tấm thiệp này như giữ những kỷ niệm đẹp một thời trẻ trung...

Còn bây giờ, các bạn có điện thoại, có email của nhau. Nhưng sinh nhật của bạn thì có lẽ nhiều người không còn nhớ...

Không ai có lỗi, cũng chẳng ai đáng trách cả. Chúng ta bây giờ đều quá bận rộn mà! Chúng ta có quá nhiều điều để lo mà. Chúng ta có quá nhiều điều để nhớ mà. Chúng ta không có nhiều thì giờ để nhớ những chuyện vặt vãnh! Chỉ là sinh nhật thôi mà!

Các bạn thì nghĩ sao?