Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Truyện ngắn

LY CÀ PHÊ NGON NHẤT ĐỜI

Thành nếp, cứ đến ngày 20-11 là tôi thường về thăm thầy Minh. Những năm ngày Nhà giáo không rơi vào đúng ngày nghỉ thì tôi về những ngày trước đó. Thầy Minh chủ nhiệm lớp tôi năm cuối cấp III, nhưng là người dạy sử của chúng tôi từ nhiều năm trước đó.
Sáng hôm đó, tôi vừa từ Sài Gòn về và đến nhà thầy hơi sớm. Thầy đang ở trần làm việc nhà. Nhìn nước da đồng và cái vóc dáng chắc nịch không ai nghĩ thầy đã 65 tuổi, mà chỉ đoán chừng hơn 45 tuổi. Bù lại, tóc thầy bạc trắng từ mươi năm trước. Thấy tôi, thầy vội vã thay quần áo – vẫn quần xanh đen và áo sơ mi trắng giản dị như những ngày đến lớp. Thầy mừng rỡ bắt tay tôi, pha trà và không quên rót một ly rượu thuốc mời. Đó là một thói quen của thầy – bao giờ cũng mời rượu đối với những khách quý – mà chỉ một ly nhỏ thôi! Hàng năm, tôi thường đến thăm thầy hai lần, vào ngày Tết và ngày Nhà giáo. Thỉnh thoảng những ngày khác có đến và đều nhận được sự đón tiếp thân tình của thầy.
Sau ly rượu, thầy hỏi thăm tôi và gia đình. Tôi lại kể cho thầy nghe những “nét chính” trong công việc và gia đình của mình. Thầy hỏi thăm ba tôi, người từng nhiều lần được hiệu trưởng khen ngợi dưới cờ với từ mà thầy hay dùng là “ông nông dân tiêu biểu”. Thầy lại hỏi tôi sao không đưa con gái đến chơi. Tôi biết thầy không hỏi lấy lệ. Thầy thương trẻ con. Chính cô con gái đầu của thầy mất lúc mới mười tuổi...
Thầy trò chúng tôi đang nói chuyện chính trị – như phần lớn các cuộc nói chuyện khác trước đây – thì bên ngoài có tiếng xe. Không phải tiếng xe máy mà là ôtô. Rồi tiếng người í ới hỏi thăm nhà thầy Minh. Thầy bảo cô ra mở cửa nhưng rồi cũng đích thân bước ra ngoài xem. Xe mở cửa, một thiếu phụ ngoài bốn mươi tuổi, ăn mặc sang trọng bước xuống hỏi bằng một giọng lơ lớ:
- Thưa ở đây có phải là nhà thầy Minh không ạ?
Thầy đáp:
- Dạ phải, tôi là Minh đây.
Người thiếu phụ bước đến gần, tay dắt theo thằng bé chừng mười lăm tuổi, cao to, đẹp trai. Chị mừng rỡ nói:
- Vậy là em gặp được thầy rồi. Thầy có nhận ra em không ạ?
Thầy quay sang nhìn cô như để tìm “đồng minh” nhưng chỉ nhận cái lắc đầu rất khẽ. Thầy khoác tay:
- Thôi vào nhà đi, rồi ta nói chuyện.
Trong lúc tài xế lui xe vào sân thì mấy thầy trò bước vào nhà. Người thiếu phụ nói:
- Nhà thầy to quá! Em rất là mừng!
Thầy cười:
- Cũng mới xây được năm ngoái.
Khi đã yên vị trong nhà, thầy lại nhìn người thiếu phụ rồi hỏi:
- Em có học trường Tân Phú không?
- Dạ có, khóa 1982 – 1985.
Thầy trầm ngâm một lúc.
- Hình như nhà em ở cây số 117 Phú Hoa, bây giờ là xã Phú Vinh hay Phú Lợi gì đó đúng không?
Thiếu phụ cười rất tươi:
- Dạ đúng, thầy có trí nhớ rất tốt. Nhà mẹ em giờ vẫn ở chỗ cũ, nhưng thuộc xã Phú Vinh.
- Thầy nhớ ra rồi. Em là Voòng Kim Mai phải không?
Tôi chăm chú nghe và lặng lẽ quan sát. Khi thầy kêu lên ba tiếng “Voòng Kim Mai” thì thiếu phụ có vẻ rất xúc động. Chị nói lí nhí:
- Dạ, đúng, em là Voòng Kim Mai. Không ngờ đã hai mươi mấy năm mà thầy vẫn nhớ – Chị quay sang thằng bé bảo - Đây là con trai em, tên là David Lee. Nó sinh ra bên Mỹ nên nói được tiếng Việt rất ít. Thưa thầy đi con! Thầy của mẹ cách đây hơn 20 năm đó!
Thằng bé không chút ngại ngần, nói ngay:
- Tưa tầy!
Cái giọng của nó, tôi nghe cứ như người Pháp đang học tiếng Việt. Thầy cười bảo:
- Ngoan lắm! Đoạn thầy chỉ tôi, bảo – Đây là em Nguyễn Minh, cũng là học trò cũ của thầy, hiện nay làm nhà báo.
Tôi mỉm cười chào chị và trong lòng đã bắt đầu sáng lên một câu chuyện để viết bút kí hay viết truyện ngắn về cuộc gặp gỡ kỳ lạ này.
Từ đó trở đi, tôi chăm chú lắng nghe cho hết câu chuyện của hai thầy trò. Cô học trò Voòng Kim Mai xuất cảnh sang Mỹ khi học hết lớp 12 và hiện có cơ sở làm ăn bên Mỹ khá lớn, như “cái máu làm ăn” của phần lớn người Hoa ở khắp trái đất này. Hôm qua, chị đi tìm trường Tân Phú, nhưng ở chỗ cũ, bây giờ là trường THCS Lê Thánh Tông. Người ta chỉ ra trường trung học chuyên ban Tân Phú. Ra đó, nhằm ngày nghỉ, chỉ có ông bảo vệ. Ông bảo thầy Minh đã nghỉ hưu, nhà ở... Đến hôm nay chị mới tìm được đến đây. Cuộc trò chuyện của hai con người đến hơn hai mươi năm mới gặp mặt, thỉnh thoảng có thêm những câu “chêm mồi” của tôi dường như không có chỗ kết thúc. Bỗng có chuông điện thoại reo. Chị Mai ra ngoài nghe. Mấy phút sau, chị vào bảo:
- Thưa thầy, em muốn nhờ thầy giúp một việc.
Thầy Minh cười nói:
- Bây giờ thầy nghỉ hưu rồi, không nhờ các em thì thôi chứ giúp được gì? Nhưng mà em cứ nói, nếu không giúp được, thầy sẽ nhờ các đồng nghiệp của thầy giúp cho.
- Chuyện thế này thầy ạ. Chị Mai chậm rãi nói. Em sang bên Mỹ, sau mấy năm đi làm kiếm sống, mới thấy là không có trình độ thì thật khổ. Nên em cũng đã cố gắng lấy được tấm bằng đại học về quản trị kinh doanh. Nhờ đó gia đình em cũng bây giờ cũng tạm ổn. Cách đây mấy năm, có người bạn Mỹ đưa đứa em gái đến gặp em bảo giúp cho em nó bổ sung thêm chất liệu để làm luận văn cao học văn hóa học về đề tài “Tinh thần tôn sự trọng đạo của người Á Đông”. Em hứa là sẽ giúp nhưng quả thật là chưa biết giúp như thế nào. Hôm nay đi thăm thầy, em cũng chưa nghĩ ra là sẽ nhờ thầy giúp đỡ. Nhưng vừa rồi cô bạn cổ gọi điện nữa nên em mạo muội mong thầy nhận lời giúp cho. Em rất là cảm ơn.
Thầy Minh im lặng trong vài giây, dáng điệu trầm ngâm. Chị Mai có vẻ lo lắng. Còn tôi hết nhìn bên này đến nhìn bên kia để xem phản ứng của cả hai. Cuối cùng thầy lên tiếng:
- Thầy sợ không đủ sức để giúp chuyện này. Thầy đi dạy học nhưng cũng chưa bao giờ đúc kết lại là truyền thống tôn sư trọng đạo của người Á Đông mình thì thể hiện như thế nào.
Chị Mai cười, bảo:
- Chuyện đó thầy không phải lo. Cái mà em mong thầy giúp chỉ là kể những câu chuyện về đời dạy học của thầy, rồi những chuyện về mối quan hệ thầy trò, những tấm gương tôn sư trọng đạo mà thầy biết trong đời dạy học của mình, chứ không phải chuyện đúc kết đó đâu thầy ạ. Vì những điều đó đã có những tài liệu khác nói rồi.
Thầy Minh ngã người ra ghế cười sảng khoái:
- Tưởng gì chứ có vậy thì thầy giúp được thôi!
- Vậy em rất là cảm ơn thầy. Khi nào em nó sang, em sẽ dẫn đến gặp thầy và làm phiên dịch luôn, vì con bé này chỉ nói được tiếng Hoa và tiếng Anh thôi.
Rồi chị Mai ghi số điện thoại nhà thầy Minh. Câu chuyện lại nối tiếp với những hỏi thăm về cuộc sống của thầy Minh và chị Mai. Đến trưa, thầy Minh mời mẹ con chị Mai và tôi sang phòng bên ăn cơm do cô chuẩn bị sẵn. Trong bữa cơm, câu chuyện lại tiếp tục. Không khí thật rộn ràng.
Sau bữa trưa, chị Mai xin phép thầy Minh ra về. Trước khi đi, chị đứng lên nói:
- Biết thầy đang làm công tác khuyến học ở huyện, em nói thực, em cũng không là có biết tổ chức này, nhưng hôm nay vì em là học trò cũ của thầy nên em cũng mạnh ủng hộ hội một ngàn đô la. Nói thầy đừng giận, nếu không phải vì có thầy, chắc em cũng chưa biết rằng hiện lại có một tổ chức giúp đỡ học trò nghèo như vậy và cũng chưa chắc em chịu ủng hộ nếu như có được vận động. Dạ đây là tấm lòng của em, mong thầy nhận cho.
Nãy giờ thầy Minh cũng đứng lên nghe. Thầy cảm động đáp:
- Thầy rất cảm ơn em. Nhưng em bảo vì có thầy nên mới giúp cho hội thì hóa ra thầy ở trên hội sao? Thay mặt hội, thầy rất cảm ơn em. Nhưng em vui lòng chờ một chút để thầy gọi thủ quỹ của hội đến nhận tiền, vì thầy không có trách nhiệm giữ tiền quỹ của hội.
Tôi thấy vậy nên nói chen vào:
- Sao thầy không giữ rồi mai vào cơ quan trao lại cho thủ quỹ?
- Không được, thầy lắc đầu. Phải đâu ra đó. Tiền của hội thì chỉ có thủ quỹ giữ. Khi đi vận động, thủ quỹ phải đi theo để nhận tiền và ghi biên nhận. Hôm nay thầy nhận, mai thầy đưa cho thủ quỹ. Vui thì thôi, nếu buồn, hoặc có ai đó xấu bụng bảo học trò cũ của thầy Minh ủng hộ cho hội hai ngàn đô mà thầy chỉ đưa cho thủ quỹ có một ngàn thì thầy làm sao giải thích?
Chị Mai mỉm cười:
- Thầy cẩn thận quá!
Thầy Minh đáp:
- Đó không phải cẩn thận mà chính là nguyên tắc của hội mà cũng là nguyên tắc của thầy.
Nói rồi thầy gọi điện thoại cho chị Hương, thủ quỹ của Hội, đến nhận tiền.
Khi chị Hương nhận tiền xong, chị Mai ký xác nhận vào sổ và nhận lấy biên nhận thầy mới cho phép chị Mai về. Chị ra hiệu cho tài xế mang vào cho thầy Minh mấy túi quà, rồi bắt tay thầy ra về. David Lee cũng cúi đầu “chào tầy” ra về rất lễ phép. Ra xe tiễn hai mẹ con, thầy bảo:
- Cho thầy gửi lời hỏi thăm mẹ em nhé!
Còn lại hai thầy trò, tôi cố nán lại để nghe tiếp câu chuyện về chị Mai. Tôi nhận thấy hình như chị Mai không đơn thuần là một học trò cũ đã hai mươi năm rồi mới trở lại thăm thầy. Có lẽ có những điều gì đặc biệt hơn. Bởi vậy tôi hỏi:
- Hình như chị Mai hồi trước học rất giỏi nên thầy nhớ kỹ như vậy?
Thầy cười bảo:
- Không phải. Thầy hiểu ý em rồi. Hồi đó con em gia đình người Hoa đi học ít lắm. Nhưng con Mai không phải là đứa học giỏi hay có điểm gì đặc biệt để thầy nhớ kỹ như vậy. Có một chuyện mà bây giờ thầy mới kể…
Hồi đầu những năm 1980, thầy mới từ Hà Tĩnh vào dạy ở Tân Phú (bây giờ là huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), gia đình còn khó khăn lắm, mà lương giáo viên lại rất thấp. Nên ngày chủ nhật hoặc ngày lễ, thầy thường đi làm thuê cho mấy chủ rẫy người Hoa. Bấy giờ trên Phú Hoa hầu hết chủ rẫy là người Hoa, người Việt mình còn ít lắm. Thầy làm đủ thứ việc: làm cỏ, cắt đậu, tỉa bắp, trồng thuốc lá…, mùa nào việc ấy. Làm tuy cực nhưng cũng mua được thêm gạo, tính theo giá lúc đó, thì mỗi ngày đi làm được chừng sáu tới bảy ký gạo. Một hôm, thầy đi làm cho một bà chủ rẫy người Hoa ở km 117. Đến giờ nghỉ trưa, bà chủ mời thầy vô nhà ăn cơm. Điều này lạ lắm, bởi vì thường thì người làm công nhật phải tự mang cơm theo ăn. Thì thầy cũng ăn. Thời đó đói khổ thì sĩ diện làm gì. Bữa cơm cũng khá tươm tất. Ăn xong, bà chủ pha cho thầy một li cà phê sữa. Nói thật cho mày biết, chưa bao giờ thầy uống li cà phê sữa nào ngon như vậy. Hồi đó đường ăn còn thiếu nói chi đến sữa, chỉ có nhà khá giả mới có sữa thôi. Sau đó, bà chủ bảo:
- Tôi cần người làm nhưng không dám mướn thầy giáo làm đâu! Thầy thông cảm. Tiền công ngày hôm nay đây, bây giờ mời thầy về nghỉ.
Thầy rất ngạc nhiên vì sao bà ta lại biết thầy là thầy giáo. Bởi vì thầy tuy làm nghề dạy học nhưng từ nhỏ đã làm nông, rồi đi rừng. Sau này đi thanh niên xung phong, đi bộ đội thì cũng làm việc vất vả chứ đâu có theo kiểu nhà khá giả. Cho nên làm thầy thì cũng tay chai, mặt nám như người ta thôi. Thầy mới bảo:
- Tôi tuy làm thầy giáo nhưng ngày nghỉ cũng muốn đi làm thêm để kiếm tiền nuôi gia đình. Nếu chị thấy tôi làm không được việc thì chị cho nghỉ chứ còn vì tôi là thầy giáo mà chị cho nghỉ thì tôi cảm thấy không công bằng. Bởi vậy, tôi không nhận số tiền này vì tôi vẫn chưa làm đủ ngày công. Dù sao thì cũng rất cảm ơn chị.
Cuối cùng thì hôm đó thầy cũng làm hết ngày rồi mới về. Hơn năm sau, khi chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp III thì con Voòng Kim Mai đến nhà thầy chơi. Nó kể lại chuyện hôm đó nó thấy thầy vô nhà nó làm công nên mới nói lại với mẹ. Bà mẹ mới không cho thầy làm tiếp. Hồi đó thầy đâu có nghĩ ra, sau này nghe Mai nó kể thầy mới biết. Bữa nay Mai còn nhớ đến thăm thầy cũng thấy vui vui…
Tôi nghe xong câu chuyện thì trong đầu rối tinh lên những suy nghĩ và những xúc cảm. Quả thật có nhiều chuyện bất ngờ trong cuộc đời này và trong đó có nhiều chuyện về thầy Minh tôi chưa được biết, mà chắc rằng nhiều học trò khác của thầy cũng chưa được biết.
Sau đó, tôi xin phép hẹn thầy để con một cuộc phỏng vấn chính thức để viết về chân dung một nhà giáo suốt đời tận tuỵ với nghề dạy học và chăm lo cho học sinh nghèo. Thầy cười nói:
- Chuyện của thầy có gì đâu mà viết. Có viết thì em nên viết về hoạt động của hội khuyến học huyện trong công tác giúp đỡ cho học sinh sinh viên nghèo. Bữa nào đến thầy trò ta trò chuyện tiếp.
Tôi chào thầy ra về. Hôm sau tôi đến gặp thầy theo dự định. Mấy ngày sau, tôi viết xong bài dự thi viết về thầy cô giáo do một tờ báo của trung ương tổ chức. Bài viết của tôi sau đó được giải khuyến khích. Trong hôm phát giải, một thành viên ban tổ chức nói nhỏ với tôi:
- Nhân vật của cậu hay lắm nhưng cậu viết còn dàn trải. Nếu viết thành truyện ký thì hay hơn!
Tôi cảm ơn về lời nhận xét tế nhị và xác đáng của anh. Thứ bảy tuần rồi, tôi về quê và mang mấy tờ báo có bài viết về thầy Minh đến nhà thầy. Thật ngạc nhiên, hôm đó tình cờ sao cũng có nhiều thế hệ học trò của thầy vì bài viết của tôi mà đến thăm thầy. Tôi vào nhà được các anh chị đón chào nồng nhiệt. Quả thật trong đời làm báo của tôi chưa bao giờ vui và xúc động đến thế. Tôi trông thầy Minh cũng rất hạnh phúc. Câu chuyện đang vui thì chị Mai đưa một cô gái da trắng đến. Trong lúc mọi người chưa rõ chuyện gì, tôi liền giải thích vắn tắt về câu chuyện này. Mọi người ồ lên kinh ngạc. Chị Mai đưa cô Lisa Spencer vào chào thầy. Thấy có đông khách, chị định hẹn lại bữa khác, nhưng có một anh bảo:
- Chị đến hôm nay là đúng dịp đấy.
Cũng thật tình cờ trong số các anh chị học trò cũ có cả một anh là bạn cùng khóa với chị Mai. Thành ra hai người mải nói chuyện riêng với nhau. Thế là có mấy anh làm phiên dịch cho thầy và Lisa. Nhân đó, các anh chị thi nhau kể về những mối quan hệ tốt đẹp giữa người thầy và trò, về truyền thống tôn sư, về trật tự “quân – sư – phụ”, về câu chuyện của thầy Minh… Câu chuyện cứ thế kéo dài đến cả ngày. Bữa cơm trưa vội vã cũng không kịp làm gián đoạn câu chuyện.
Sau đó về nhà, tôi viết truyện ký Người thầy và hai cô học trò. Tôi sửa đi sửa lại nhiều lần cho thật ưng ý. Tôi gửi về cho thầy một bản để xin ý kiến. Mới sáng nay, tôi nhận được điện thoại. Thầy bảo:
- Thầy rất cảm động về bài viết của em. Nhưng chắc em nên viết lại hoặc khoan gửi báo. Trong bài viết em đề cao thầy quá. Thực ra thầy cũng chỉ là một thầy giáo bình thường thôi, có chăng là thầy có may mắn là trong số các học trò của thầy có những em đặc biệt. Chính các em đã mang lại hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa cho thầy chứ không phải thầy có làm được điều gì đáng kể đâu!...
Tôi dạ dạ liên hồi. Trong lòng bỗng thấy thêm thương người thầy giáo già đáng kính. Tôi dự định, qua mấy năm nữa, sinh nhật lần thứ bảy mươi của thầy, tôi sẽ hoàn chỉnh truyện kí này và đưa đăng báo để làm quà mừng thọ thầy… Tôi cảm thấy thật vui!

10-12-2005

1 nhận xét:

  1. Hom nay moi vo doc bai nay, thay xuc dong qua. Cam on ban Minh Hai

    Trả lờiXóa