Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Tạp bút

NƯỚC ĐỒNG NAI…

Dân gian có câu: “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Các nhà nghiên cứu cho rằng, từ trước năm 1820 (năm ra đời Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức), người dân Gia Định (mà cũng là miền Nam) đã sử dụng câu này. Theo Trịnh Hoài Đức, nước sông Đồng Nai nổi danh mát, sạch, ngon, ngọt, nếu dùng nấu pha trà thì ở Nam bộ không nơi nào sánh bằng. Mà Đồng Nai cũng nên hiểu là vùng miền Đông nói chung. Còn về thức ăn, gạo ở huyện Cần Đước là ngon nhất. Ở Long An có hàng chục loại gạo bắt đầu bằng từ nàng: nàng chò, nàng co, nàng hương, nàng minh, nàng quất, nàng rẫy, nàng rừng, nàng sóc, nàng thơm, nàng tri… Trong các loại lúa trên thì nàng thơm ở chợ Đào là nổi tiếng nhất. Chợ Đào là một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kênh Xóm Bồ chảy qua xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (tỉnh Long An)…
Hồi nhỏ, gia đình tôi sống ở Đồng Nai. Nơi đó khá xa sông Đồng Nai nên trong suy nghĩ của tôi, “nước Đồng Nai” có thể chỉ nước nói chung, chứ không nhất thiết là nước sông. Nhưng quả thật, nước giếng Đồng Nai rất trong, ngọt và mát. Các mạch nước ngầm nằm sâu dưới các tầng đá cổ, các lớp đất badan nên có sự tinh khiết…
Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là sự khan hiếm nước vào mùa khô. Ở vùng cao nguyên, trừ những chỗ gần sông, gần suối, còn lại thì không thể tìm được nguồn nước sạch. Tôi vẫn nhớ như in những buổi theo người lớn đi thồ nước ở các bàu nước. Bàu là một cái đầm, một cái hồ nhỏ, vốn là một chỗ trũng sâu xuống, dưới đáy có thể có một số mạch nước ngầm. Dù sao thì bàu cũng là một dạng ao tù. Mùa nắng, những người quanh vùng cùng đến đây để gánh nước, thồ nước, tắm giặt. Nhiều người nhảy ùm xuống làn nước mát lạnh để vùng vẫy, trong khi nhiều người khác xách nước lên bờ để giặt đồ hoặc tắm. Nước đó cũng được mang về nhà làm nước nấu ăn… Hồi nhỏ, tôi thấy bình thường nhưng bây giờ nghĩ lại quả là mất vệ sinh!
Ở những nơi không có bàu, người ta phải đến các giếng đào để lấy nước. Một cái giếng thường có miệng rộng từ 1 – 1,5m, sâu từ 20 – 30m. Thành giếng được ốp các hòn đá; trên miệng có bắc những thanh gỗ để gắn một trục quay nước và làm chỗ đứng chân. Nhìn xuống đáy giếng sâu hoắm, tôi thường rùng mình… Đào được một cái giếng quả là kỳ công bởi phải vừa đào bới đất, vừa đưa những hòn đá lên trên; nhiều khi phải dùng thuốc nổ để đánh vỡ những tảng đá lớn… Hồi đó, chỉ những nhà khá giả mới có giếng…
Nhưng đi lấy nước cũng là việc kỳ công. Vào buổi sáng sớm hoặc cuối ngày, thường có đông người đến lấy nước nên phải xếp hàng chờ đợi để rồi phải vất vả quay từng thùng nước cho vào các thùng phuy (loại 120 lít) hoặc các can nhựa (loại 30 lít) rồi đẩy xe đạp hoặc xe thồ về nhà. Có người còn phải gánh. Để đỡ phải mang nước đi lại, nhiều người mang quần áo đến giặt tại chỗ.
Từ hồi nhỏ, tôi đã theo người lớn đi lấy nước. Lâu lâu tham gia quay nước vài cái thì đã vã mồ hôi, thế nào cũng xin nửa thùng nước để xối ào một cái và tận hưởng làn nước mát thấm vào da thịt. Chưa biết đẩy xe thồ thì đi “tăng bo”, đẩy phía sau khi lên dốc hoặc kéo lại khi xuống dốc. Lớn một chút thì “cầm tài”, chân trần phăm phăm trên những con đường đầy đá sỏi. Về đến nhà, từng ca nước đều quý báu thì bao nhiêu giọt nước là bấy nhiêu giọt mồ hôi… Ấy vậy mà có hôm thồ được nửa đường thì trời mưa to, tôi phải đành đổ cả xe nước để đẩy xe không về. Hôm khác, đi nửa đường thì càng xe bị gãy, xe thồ bị ngã, nước đổ lênh láng, về đến nhà, ba tôi cứ xuýt xoa, “may mà con bị không sao”…
Bây giờ quê tôi không còn những cái giếng đào kiểu đó nữa. Cũng không còn ai đi đẩy từng thùng nước. Ở những trục đường chính, nước máy đã đến tận nhà; trong rẫy thì hầu như nhà nào cũng có giếng khoan, bơm bằng máy nổ hoặc bằng điện. Tệ nhất cũng đã chở nước bằng xe máy, đổi từ các “cây nước” công cộng. Nước Đồng Nai bây giờ có lẽ vẫn mát rượi nhưng ngọt hơn, vì không còn pha thêm những giọt mồ hôi…
Tôi hay kể chuyện lấy nước hồi nhỏ để nhắc các con tôi phải luôn tiết kiệm nước!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét