Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Bài viết

HỘI KHUYẾN HỌC HUYỆN ĐỊNH QUÁN:
NGÀY CÀNG ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI

Mới ra đời gần 10 năm (từ tháng 9-2001), Hội Khuyến học huyện Định Quán đã đóng vai trò ngày càng tích cực hơn trong hoạt động khuyến học khuyến tài của huyện nhà, đặc biệt là giúp đỡ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học. Qua 2 nhiệm kỳ (2001 – 2005, 2005 – 2010), hoạt động của Hội ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu cao. Nhờ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện ngày càng được đẩy mạnh.

10 năm qua, công tác phát triển hội viên gắn chặt với phong trào vận động, xây dựng “gia đình hiếu học” nên số hội viên không ngừng được tăng lên. Đến nay, toàn huyện có 7.768 hội viên, trong đó ở nhiều xã, tỉ lệ hội viên đã tăng hơn gấp đôi trong nhiệm kỳ II (2005 – 2010), như Phú Lợi từ 293 lên 1.003, thị trấn Định Quán từ 397 lên 800, Túc Trưng từ 319 lên 686… Ngoài 14 hội xã, thị trấn, hiện Huyện hội còn quản lý 2 hội của 2 trường THPT và 1 hội của hội đồng hương.
Trong công tác vận động xây dựng “gia đình hiếu học”, 12/14 xã đã xét công nhận, trong đó các xã Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Tân, La Ngà đã tổ chức công nhận “gia đình hiếu học” lần III. Huyện hội đã tổ chức tuyên dương “gia đình hiếu học tiêu biểu” lần II vào tháng 6-2010. Đến cuối năm 2010, toàn huyện có 9.369 gia đình đăng ký “gia đình hiếu học”, trong đó 50 gia đình được tuyên dương cấp huyện, 15 gia đình cấp tỉnh và 2 gia đình cấp toàn quốc. Trong số này, có nhiều gia đình dù rất khó khăn nhưng vẫn vượt lên hoàn cảnh để cho con cái ăn học tới nơi tới chốn. Chẳng hạn, gia đình ông Huỳnh Bá Cần (xã Phú Vinh) làm rẫy, nuôi heo, có 10 người con tốt nghiệp đại học và cao đẳng; gia đình bà Võ Thị Thu Cần (xã La Ngà) bán tàu hũ nuôi 5 con vào đại học…
Trong công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học, qua 10 năm, thu được gần 5 tỉ đồng đối với Hội Khuyến học Định Quán là một kỳ công. Riêng trong nhiệm kỳ II, toàn hội đã vận động được gần 3,678 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Với đặc thù là huyện nông nghiệp miền núi, còn nhiều khó khăn, cơ sở kinh tế còn ít nên việc vận động không hề dễ dàng. Chỉ có tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì những tấm gương hiếu học, vượt khó mới của các cá nhân hội viên, của các hộ gia đình, các cơ quan, cùng một số ít cơ sở kinh doanh mới có thể đạt được con số đó. Chẳng hạn ở xã Túc Trưng, Thường trực động viên cơ quan UBND xã “mỗi tuần một ngày không uống cà phê”; ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên là “mỗi tháng tiết kiệm 2.000 đồng” để tiếp sức cho các sinh viên khó khăn... Một số đơn vị đã nhiệt tình đóng góp cho quỹ khuyến học huyện như Công ty TNHH AB Mauri Là Ngà (mỗi năm từ 30 – 50 triệu đồng), trường THPT tư thục Quốc văn Sài Gòn (năm 2010 hỗ trợ trên 200 triệu), UBND huyện Định Quán, Hội Khuyến học tỉnh Đồng Nai…
Nhờ đó, từ năm 2005 đến nay, Huyện hội đã cấp học bổng và khen thưởng 20.860 suất với tổng số tiền 2,438 tỉ đồng; tiếp sức sinh viên 191 suất với số tiền 276 triệu đồng, khen thưởng 1.714 lượt giáo viên với số tiền gần 180 triệu đồng…
Có một số mô hình vận động tích cực, có thể kể: Ở Túc Trung, Hội Khuyến học xã kiên trì vận động tại Hội thánh Tin Lành Túc Trưng và Giáo xứ Đức Thắng, nhờ đó 2 cơ sở tôn giáo này đã nhận cấp học bổng hàng tháng cho 70 học sinh nghèo người dân tộc Châu Ro (từ 70.000 – 100.000đ/suất) và hỗ trợ thêm 36 chiếc xe đạp, với tổng số tiền gần 450 triệu đồng.
Ở thị trấn Định Quán, với điều kiện kinh tế khá hơn so với mặt bằng chung nên công tác vận động cũng có thuận lợi. Điển hình là ông Trương Sĩ Quý (ấp 114), từ năm 2005 đến năm 2010, ông đã tặng gần 100 suất học bổng (từ 200.000 – 500.000đ/suất), tiếp sức cho 4 sinh viên (từ 1,2 – 1,5 triệu đ/suất)… Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học thị trấn đã vận động được trên 475 triệu đồng. Hội luôn chủ động phân công các thành viên Ban Chấp hành phối hợp cùng các chi hội tổ chức vận động tập trung các nhà mạnh thường quân để xây dựng quỹ hội. Nhờ đó, các chi hội có nguồn quỹ khá ổn định, như chi hội trường TH Chu Văn An có 50 triệu, trường TH Trưng Vương có 35 triệu, chùa Quảng Xá có 15 triệu…
Ở xã Phú Lợi, chi hội khuyến học dòng họ Lâm đã có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học của huyện. Dòng họ Lâm có 45 hộ với 250 nhân khẩu, 35 hộ được công nhận là “gia đình hiếu học”, hiện có hơn 100 con em đang học các bậc học. Với sự quan tâm đến việc học của con em trong dòng họ, từ năm 2007 đến nay, các thành viên trong họ đã tự nguyện đóng góp quỹ khuyến học của dòng họ. Trong 4 năm qua, chi hội đã khen thưởng cho 75 lượt em, cấp 7 suất học bổng, tiếp sức sinh viên cho 5 trường hợp… với tổng số tiền 18 triệu đồng.
Đặc biệt, Hội Khuyến học của Hội Đồng hương Hương Sơn (Hà Tĩnh) tại khu vực Định Quán được thành lập từ năm 2005, hiện đã có 95 gia đình với hơn 400 nhân khẩu vào Hội. Từ năm 2007 đến nay, quỹ khuyến học của Hội đã khen thưởng, cấp học bổng và tiếp sức đến trường cho hơn 100 lượt học sinh – sinh viên với tổng số tiền 35 triệu đồng. Với sự quan tâm, động viên của hội đồng hương, trong thời gian qua, hội có 47 học sinh giỏi cấp trường, 2 học sinh giỏi cấp huyện, 1 học sinh giỏi cấp tỉnh, 8 học sinh đậu đại học công lập và 1 sinh viên thi đậu một học bổng toàn phần du học nước ngoài trị giá 10.000USD…
Nói về những mục tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ III (2010 – 2015), ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Định Quán, cho biết: “Trong thời gian tới, Hội tập trung phát triển tổ chức hội và hội viên, đảm bảo đến năm 2015 có 100% chi hội trường học và ấp; tích cực vận động quỹ khuyến học để đáp ứng đủ nhu cầu trợ giúp học sinh nghèo học tập và khen thưởng học sinh giỏi, các tài năng trẻ, tiếp sức sinh viên, học bổng du học trường đại học châu Á dành cho nữ sinh…”

Bài đã đăng Báo Đồng Nai, ngày 20-1-2011

Truyện ngắn

LY CÀ PHÊ NGON NHẤT ĐỜI

Thành nếp, cứ đến ngày 20-11 là tôi thường về thăm thầy Minh. Những năm ngày Nhà giáo không rơi vào đúng ngày nghỉ thì tôi về những ngày trước đó. Thầy Minh chủ nhiệm lớp tôi năm cuối cấp III, nhưng là người dạy sử của chúng tôi từ nhiều năm trước đó.
Sáng hôm đó, tôi vừa từ Sài Gòn về và đến nhà thầy hơi sớm. Thầy đang ở trần làm việc nhà. Nhìn nước da đồng và cái vóc dáng chắc nịch không ai nghĩ thầy đã 65 tuổi, mà chỉ đoán chừng hơn 45 tuổi. Bù lại, tóc thầy bạc trắng từ mươi năm trước. Thấy tôi, thầy vội vã thay quần áo – vẫn quần xanh đen và áo sơ mi trắng giản dị như những ngày đến lớp. Thầy mừng rỡ bắt tay tôi, pha trà và không quên rót một ly rượu thuốc mời. Đó là một thói quen của thầy – bao giờ cũng mời rượu đối với những khách quý – mà chỉ một ly nhỏ thôi! Hàng năm, tôi thường đến thăm thầy hai lần, vào ngày Tết và ngày Nhà giáo. Thỉnh thoảng những ngày khác có đến và đều nhận được sự đón tiếp thân tình của thầy.
Sau ly rượu, thầy hỏi thăm tôi và gia đình. Tôi lại kể cho thầy nghe những “nét chính” trong công việc và gia đình của mình. Thầy hỏi thăm ba tôi, người từng nhiều lần được hiệu trưởng khen ngợi dưới cờ với từ mà thầy hay dùng là “ông nông dân tiêu biểu”. Thầy lại hỏi tôi sao không đưa con gái đến chơi. Tôi biết thầy không hỏi lấy lệ. Thầy thương trẻ con. Chính cô con gái đầu của thầy mất lúc mới mười tuổi...
Thầy trò chúng tôi đang nói chuyện chính trị – như phần lớn các cuộc nói chuyện khác trước đây – thì bên ngoài có tiếng xe. Không phải tiếng xe máy mà là ôtô. Rồi tiếng người í ới hỏi thăm nhà thầy Minh. Thầy bảo cô ra mở cửa nhưng rồi cũng đích thân bước ra ngoài xem. Xe mở cửa, một thiếu phụ ngoài bốn mươi tuổi, ăn mặc sang trọng bước xuống hỏi bằng một giọng lơ lớ:
- Thưa ở đây có phải là nhà thầy Minh không ạ?
Thầy đáp:
- Dạ phải, tôi là Minh đây.
Người thiếu phụ bước đến gần, tay dắt theo thằng bé chừng mười lăm tuổi, cao to, đẹp trai. Chị mừng rỡ nói:
- Vậy là em gặp được thầy rồi. Thầy có nhận ra em không ạ?
Thầy quay sang nhìn cô như để tìm “đồng minh” nhưng chỉ nhận cái lắc đầu rất khẽ. Thầy khoác tay:
- Thôi vào nhà đi, rồi ta nói chuyện.
Trong lúc tài xế lui xe vào sân thì mấy thầy trò bước vào nhà. Người thiếu phụ nói:
- Nhà thầy to quá! Em rất là mừng!
Thầy cười:
- Cũng mới xây được năm ngoái.
Khi đã yên vị trong nhà, thầy lại nhìn người thiếu phụ rồi hỏi:
- Em có học trường Tân Phú không?
- Dạ có, khóa 1982 – 1985.
Thầy trầm ngâm một lúc.
- Hình như nhà em ở cây số 117 Phú Hoa, bây giờ là xã Phú Vinh hay Phú Lợi gì đó đúng không?
Thiếu phụ cười rất tươi:
- Dạ đúng, thầy có trí nhớ rất tốt. Nhà mẹ em giờ vẫn ở chỗ cũ, nhưng thuộc xã Phú Vinh.
- Thầy nhớ ra rồi. Em là Voòng Kim Mai phải không?
Tôi chăm chú nghe và lặng lẽ quan sát. Khi thầy kêu lên ba tiếng “Voòng Kim Mai” thì thiếu phụ có vẻ rất xúc động. Chị nói lí nhí:
- Dạ, đúng, em là Voòng Kim Mai. Không ngờ đã hai mươi mấy năm mà thầy vẫn nhớ – Chị quay sang thằng bé bảo - Đây là con trai em, tên là David Lee. Nó sinh ra bên Mỹ nên nói được tiếng Việt rất ít. Thưa thầy đi con! Thầy của mẹ cách đây hơn 20 năm đó!
Thằng bé không chút ngại ngần, nói ngay:
- Tưa tầy!
Cái giọng của nó, tôi nghe cứ như người Pháp đang học tiếng Việt. Thầy cười bảo:
- Ngoan lắm! Đoạn thầy chỉ tôi, bảo – Đây là em Nguyễn Minh, cũng là học trò cũ của thầy, hiện nay làm nhà báo.
Tôi mỉm cười chào chị và trong lòng đã bắt đầu sáng lên một câu chuyện để viết bút kí hay viết truyện ngắn về cuộc gặp gỡ kỳ lạ này.
Từ đó trở đi, tôi chăm chú lắng nghe cho hết câu chuyện của hai thầy trò. Cô học trò Voòng Kim Mai xuất cảnh sang Mỹ khi học hết lớp 12 và hiện có cơ sở làm ăn bên Mỹ khá lớn, như “cái máu làm ăn” của phần lớn người Hoa ở khắp trái đất này. Hôm qua, chị đi tìm trường Tân Phú, nhưng ở chỗ cũ, bây giờ là trường THCS Lê Thánh Tông. Người ta chỉ ra trường trung học chuyên ban Tân Phú. Ra đó, nhằm ngày nghỉ, chỉ có ông bảo vệ. Ông bảo thầy Minh đã nghỉ hưu, nhà ở... Đến hôm nay chị mới tìm được đến đây. Cuộc trò chuyện của hai con người đến hơn hai mươi năm mới gặp mặt, thỉnh thoảng có thêm những câu “chêm mồi” của tôi dường như không có chỗ kết thúc. Bỗng có chuông điện thoại reo. Chị Mai ra ngoài nghe. Mấy phút sau, chị vào bảo:
- Thưa thầy, em muốn nhờ thầy giúp một việc.
Thầy Minh cười nói:
- Bây giờ thầy nghỉ hưu rồi, không nhờ các em thì thôi chứ giúp được gì? Nhưng mà em cứ nói, nếu không giúp được, thầy sẽ nhờ các đồng nghiệp của thầy giúp cho.
- Chuyện thế này thầy ạ. Chị Mai chậm rãi nói. Em sang bên Mỹ, sau mấy năm đi làm kiếm sống, mới thấy là không có trình độ thì thật khổ. Nên em cũng đã cố gắng lấy được tấm bằng đại học về quản trị kinh doanh. Nhờ đó gia đình em cũng bây giờ cũng tạm ổn. Cách đây mấy năm, có người bạn Mỹ đưa đứa em gái đến gặp em bảo giúp cho em nó bổ sung thêm chất liệu để làm luận văn cao học văn hóa học về đề tài “Tinh thần tôn sự trọng đạo của người Á Đông”. Em hứa là sẽ giúp nhưng quả thật là chưa biết giúp như thế nào. Hôm nay đi thăm thầy, em cũng chưa nghĩ ra là sẽ nhờ thầy giúp đỡ. Nhưng vừa rồi cô bạn cổ gọi điện nữa nên em mạo muội mong thầy nhận lời giúp cho. Em rất là cảm ơn.
Thầy Minh im lặng trong vài giây, dáng điệu trầm ngâm. Chị Mai có vẻ lo lắng. Còn tôi hết nhìn bên này đến nhìn bên kia để xem phản ứng của cả hai. Cuối cùng thầy lên tiếng:
- Thầy sợ không đủ sức để giúp chuyện này. Thầy đi dạy học nhưng cũng chưa bao giờ đúc kết lại là truyền thống tôn sư trọng đạo của người Á Đông mình thì thể hiện như thế nào.
Chị Mai cười, bảo:
- Chuyện đó thầy không phải lo. Cái mà em mong thầy giúp chỉ là kể những câu chuyện về đời dạy học của thầy, rồi những chuyện về mối quan hệ thầy trò, những tấm gương tôn sư trọng đạo mà thầy biết trong đời dạy học của mình, chứ không phải chuyện đúc kết đó đâu thầy ạ. Vì những điều đó đã có những tài liệu khác nói rồi.
Thầy Minh ngã người ra ghế cười sảng khoái:
- Tưởng gì chứ có vậy thì thầy giúp được thôi!
- Vậy em rất là cảm ơn thầy. Khi nào em nó sang, em sẽ dẫn đến gặp thầy và làm phiên dịch luôn, vì con bé này chỉ nói được tiếng Hoa và tiếng Anh thôi.
Rồi chị Mai ghi số điện thoại nhà thầy Minh. Câu chuyện lại nối tiếp với những hỏi thăm về cuộc sống của thầy Minh và chị Mai. Đến trưa, thầy Minh mời mẹ con chị Mai và tôi sang phòng bên ăn cơm do cô chuẩn bị sẵn. Trong bữa cơm, câu chuyện lại tiếp tục. Không khí thật rộn ràng.
Sau bữa trưa, chị Mai xin phép thầy Minh ra về. Trước khi đi, chị đứng lên nói:
- Biết thầy đang làm công tác khuyến học ở huyện, em nói thực, em cũng không là có biết tổ chức này, nhưng hôm nay vì em là học trò cũ của thầy nên em cũng mạnh ủng hộ hội một ngàn đô la. Nói thầy đừng giận, nếu không phải vì có thầy, chắc em cũng chưa biết rằng hiện lại có một tổ chức giúp đỡ học trò nghèo như vậy và cũng chưa chắc em chịu ủng hộ nếu như có được vận động. Dạ đây là tấm lòng của em, mong thầy nhận cho.
Nãy giờ thầy Minh cũng đứng lên nghe. Thầy cảm động đáp:
- Thầy rất cảm ơn em. Nhưng em bảo vì có thầy nên mới giúp cho hội thì hóa ra thầy ở trên hội sao? Thay mặt hội, thầy rất cảm ơn em. Nhưng em vui lòng chờ một chút để thầy gọi thủ quỹ của hội đến nhận tiền, vì thầy không có trách nhiệm giữ tiền quỹ của hội.
Tôi thấy vậy nên nói chen vào:
- Sao thầy không giữ rồi mai vào cơ quan trao lại cho thủ quỹ?
- Không được, thầy lắc đầu. Phải đâu ra đó. Tiền của hội thì chỉ có thủ quỹ giữ. Khi đi vận động, thủ quỹ phải đi theo để nhận tiền và ghi biên nhận. Hôm nay thầy nhận, mai thầy đưa cho thủ quỹ. Vui thì thôi, nếu buồn, hoặc có ai đó xấu bụng bảo học trò cũ của thầy Minh ủng hộ cho hội hai ngàn đô mà thầy chỉ đưa cho thủ quỹ có một ngàn thì thầy làm sao giải thích?
Chị Mai mỉm cười:
- Thầy cẩn thận quá!
Thầy Minh đáp:
- Đó không phải cẩn thận mà chính là nguyên tắc của hội mà cũng là nguyên tắc của thầy.
Nói rồi thầy gọi điện thoại cho chị Hương, thủ quỹ của Hội, đến nhận tiền.
Khi chị Hương nhận tiền xong, chị Mai ký xác nhận vào sổ và nhận lấy biên nhận thầy mới cho phép chị Mai về. Chị ra hiệu cho tài xế mang vào cho thầy Minh mấy túi quà, rồi bắt tay thầy ra về. David Lee cũng cúi đầu “chào tầy” ra về rất lễ phép. Ra xe tiễn hai mẹ con, thầy bảo:
- Cho thầy gửi lời hỏi thăm mẹ em nhé!
Còn lại hai thầy trò, tôi cố nán lại để nghe tiếp câu chuyện về chị Mai. Tôi nhận thấy hình như chị Mai không đơn thuần là một học trò cũ đã hai mươi năm rồi mới trở lại thăm thầy. Có lẽ có những điều gì đặc biệt hơn. Bởi vậy tôi hỏi:
- Hình như chị Mai hồi trước học rất giỏi nên thầy nhớ kỹ như vậy?
Thầy cười bảo:
- Không phải. Thầy hiểu ý em rồi. Hồi đó con em gia đình người Hoa đi học ít lắm. Nhưng con Mai không phải là đứa học giỏi hay có điểm gì đặc biệt để thầy nhớ kỹ như vậy. Có một chuyện mà bây giờ thầy mới kể…
Hồi đầu những năm 1980, thầy mới từ Hà Tĩnh vào dạy ở Tân Phú (bây giờ là huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), gia đình còn khó khăn lắm, mà lương giáo viên lại rất thấp. Nên ngày chủ nhật hoặc ngày lễ, thầy thường đi làm thuê cho mấy chủ rẫy người Hoa. Bấy giờ trên Phú Hoa hầu hết chủ rẫy là người Hoa, người Việt mình còn ít lắm. Thầy làm đủ thứ việc: làm cỏ, cắt đậu, tỉa bắp, trồng thuốc lá…, mùa nào việc ấy. Làm tuy cực nhưng cũng mua được thêm gạo, tính theo giá lúc đó, thì mỗi ngày đi làm được chừng sáu tới bảy ký gạo. Một hôm, thầy đi làm cho một bà chủ rẫy người Hoa ở km 117. Đến giờ nghỉ trưa, bà chủ mời thầy vô nhà ăn cơm. Điều này lạ lắm, bởi vì thường thì người làm công nhật phải tự mang cơm theo ăn. Thì thầy cũng ăn. Thời đó đói khổ thì sĩ diện làm gì. Bữa cơm cũng khá tươm tất. Ăn xong, bà chủ pha cho thầy một li cà phê sữa. Nói thật cho mày biết, chưa bao giờ thầy uống li cà phê sữa nào ngon như vậy. Hồi đó đường ăn còn thiếu nói chi đến sữa, chỉ có nhà khá giả mới có sữa thôi. Sau đó, bà chủ bảo:
- Tôi cần người làm nhưng không dám mướn thầy giáo làm đâu! Thầy thông cảm. Tiền công ngày hôm nay đây, bây giờ mời thầy về nghỉ.
Thầy rất ngạc nhiên vì sao bà ta lại biết thầy là thầy giáo. Bởi vì thầy tuy làm nghề dạy học nhưng từ nhỏ đã làm nông, rồi đi rừng. Sau này đi thanh niên xung phong, đi bộ đội thì cũng làm việc vất vả chứ đâu có theo kiểu nhà khá giả. Cho nên làm thầy thì cũng tay chai, mặt nám như người ta thôi. Thầy mới bảo:
- Tôi tuy làm thầy giáo nhưng ngày nghỉ cũng muốn đi làm thêm để kiếm tiền nuôi gia đình. Nếu chị thấy tôi làm không được việc thì chị cho nghỉ chứ còn vì tôi là thầy giáo mà chị cho nghỉ thì tôi cảm thấy không công bằng. Bởi vậy, tôi không nhận số tiền này vì tôi vẫn chưa làm đủ ngày công. Dù sao thì cũng rất cảm ơn chị.
Cuối cùng thì hôm đó thầy cũng làm hết ngày rồi mới về. Hơn năm sau, khi chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp III thì con Voòng Kim Mai đến nhà thầy chơi. Nó kể lại chuyện hôm đó nó thấy thầy vô nhà nó làm công nên mới nói lại với mẹ. Bà mẹ mới không cho thầy làm tiếp. Hồi đó thầy đâu có nghĩ ra, sau này nghe Mai nó kể thầy mới biết. Bữa nay Mai còn nhớ đến thăm thầy cũng thấy vui vui…
Tôi nghe xong câu chuyện thì trong đầu rối tinh lên những suy nghĩ và những xúc cảm. Quả thật có nhiều chuyện bất ngờ trong cuộc đời này và trong đó có nhiều chuyện về thầy Minh tôi chưa được biết, mà chắc rằng nhiều học trò khác của thầy cũng chưa được biết.
Sau đó, tôi xin phép hẹn thầy để con một cuộc phỏng vấn chính thức để viết về chân dung một nhà giáo suốt đời tận tuỵ với nghề dạy học và chăm lo cho học sinh nghèo. Thầy cười nói:
- Chuyện của thầy có gì đâu mà viết. Có viết thì em nên viết về hoạt động của hội khuyến học huyện trong công tác giúp đỡ cho học sinh sinh viên nghèo. Bữa nào đến thầy trò ta trò chuyện tiếp.
Tôi chào thầy ra về. Hôm sau tôi đến gặp thầy theo dự định. Mấy ngày sau, tôi viết xong bài dự thi viết về thầy cô giáo do một tờ báo của trung ương tổ chức. Bài viết của tôi sau đó được giải khuyến khích. Trong hôm phát giải, một thành viên ban tổ chức nói nhỏ với tôi:
- Nhân vật của cậu hay lắm nhưng cậu viết còn dàn trải. Nếu viết thành truyện ký thì hay hơn!
Tôi cảm ơn về lời nhận xét tế nhị và xác đáng của anh. Thứ bảy tuần rồi, tôi về quê và mang mấy tờ báo có bài viết về thầy Minh đến nhà thầy. Thật ngạc nhiên, hôm đó tình cờ sao cũng có nhiều thế hệ học trò của thầy vì bài viết của tôi mà đến thăm thầy. Tôi vào nhà được các anh chị đón chào nồng nhiệt. Quả thật trong đời làm báo của tôi chưa bao giờ vui và xúc động đến thế. Tôi trông thầy Minh cũng rất hạnh phúc. Câu chuyện đang vui thì chị Mai đưa một cô gái da trắng đến. Trong lúc mọi người chưa rõ chuyện gì, tôi liền giải thích vắn tắt về câu chuyện này. Mọi người ồ lên kinh ngạc. Chị Mai đưa cô Lisa Spencer vào chào thầy. Thấy có đông khách, chị định hẹn lại bữa khác, nhưng có một anh bảo:
- Chị đến hôm nay là đúng dịp đấy.
Cũng thật tình cờ trong số các anh chị học trò cũ có cả một anh là bạn cùng khóa với chị Mai. Thành ra hai người mải nói chuyện riêng với nhau. Thế là có mấy anh làm phiên dịch cho thầy và Lisa. Nhân đó, các anh chị thi nhau kể về những mối quan hệ tốt đẹp giữa người thầy và trò, về truyền thống tôn sư, về trật tự “quân – sư – phụ”, về câu chuyện của thầy Minh… Câu chuyện cứ thế kéo dài đến cả ngày. Bữa cơm trưa vội vã cũng không kịp làm gián đoạn câu chuyện.
Sau đó về nhà, tôi viết truyện ký Người thầy và hai cô học trò. Tôi sửa đi sửa lại nhiều lần cho thật ưng ý. Tôi gửi về cho thầy một bản để xin ý kiến. Mới sáng nay, tôi nhận được điện thoại. Thầy bảo:
- Thầy rất cảm động về bài viết của em. Nhưng chắc em nên viết lại hoặc khoan gửi báo. Trong bài viết em đề cao thầy quá. Thực ra thầy cũng chỉ là một thầy giáo bình thường thôi, có chăng là thầy có may mắn là trong số các học trò của thầy có những em đặc biệt. Chính các em đã mang lại hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa cho thầy chứ không phải thầy có làm được điều gì đáng kể đâu!...
Tôi dạ dạ liên hồi. Trong lòng bỗng thấy thêm thương người thầy giáo già đáng kính. Tôi dự định, qua mấy năm nữa, sinh nhật lần thứ bảy mươi của thầy, tôi sẽ hoàn chỉnh truyện kí này và đưa đăng báo để làm quà mừng thọ thầy… Tôi cảm thấy thật vui!

10-12-2005

Bài thơ

TỨ TUYỆT CHO THẦY CÔ GIÁO

1. NGƯỜI THẦY VÀ NGƯỜI ĐƯA ĐÒ (I)
Sống là cho
Nhiều người nhận
Dành riêng mình
Phần nhỏ nhất.

2. NGƯỜI THẦY DẠY TOÁN
Những bài toán đố
Giải cả cuộc đời
Những câu hỏi khó
Mở ra chân trời.

3. CÔ GIÁO DẠY VĂN
Mỗi lời giảng của cô
Mở bầu trời tri thức
Mỗi câu dạy ban sơ
Gợi cả niềm hạnh phúc.

4. THẦY GIÁO DẠY SỬ
Mỗi câu chuyện kể ngày xưa
Thầy gieo bài học cho vừa ngày nay.
Ngàn năm còn chuyện ngày mai
Bài học lịch sử ngàn đời chẳng phai.

5. NGƯỜI THẦY VÀ NGƯỜI ĐƯA ĐÒ (II)
Phấn trắng bảng đen gieo tri thức
Không thầy hỏi thử mấy ai nên
Có thầy hỏi thử bao người nhớ
Chuyến đò hạnh phúc ấy đừng quên!

6. NGƯỜI THẦY VÀ NGƯỜI ĐƯA ĐÒ (III)
Dạy lễ dạy văn, nên người thành đạt
Thầy đã dạy ta bằng cả cuộc đời
Đâu chỉ kiến thức một thời bay nhảy
Cuối ngày ngoảnh lại, đấy một CON NGƯỜI.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Tạp bút

BÀI HỌC CHƠI CỜ

Tặng bạn Phạm Quốc Thắng


Ba tôi hay mượn chuyện cũ để dạy con. Một trong những chuyện mà tôi nhớ nhất là bài học về đánh cờ tướng. Hồi còn thanh niên, ba tôi chơi thân với chú Hòa. Hai người hay đánh cờ với nhau. Sức cờ của ba tôi không bì được với chú Hòa nên đánh thua luôn, có khi ba bốn ván liền. Thậm chí có ván còn bị ăn hết quân. Ván nào khá lắm thì mới cầm hòa hoặc thắng được thì cũng may thôi! Thắng trận, chú Hòa thường “gáy”, ba tôi rất tức tối. Nhưng rồi cũng thôi, ba tôi không vui nhưng cũng không để bụng. Chỉ chơi cờ thôi mà!
Một bữa ba tôi sang nhà không gặp chú Hòa mà có bác Hai, anh của chú ở nhà. Anh em vui vẻ đem cờ tướng ra chơi. Bác Hai chơi rất kỹ, chậm rãi, nước nào cũng chắc chắn. Bữa đó hòa, mỗi người thắng một ván. Những lần sau, đánh với bác, ba tôi thua nhiều hơn thắng, nhưng chỉ thua sít sao, 2-1 hoặc 3-2, thường chỉ hơn một vài quân chốt. Ba tôi tuy thua nhưng cũng lên cờ và thấy rất hài lòng. Một lần cao hứng ba tôi nói: “Sức cờ của anh chắc không bằng thằng Hòa?”. Bác Hai cười ngất: “Trời, cờ thằng đó mới sạch nước cản. Sách cờ ở nhà nó mới đọc được có một nửa hà!” Nói rồi bác chỉ chồng sách cờ về khai cuộc, cờ thế, cờ tàn, các ván cờ hay để trên đầu tủ cho ba tôi xem. Ba tôi không tin: “Anh nói sao chứ thằng Hòa nó ăn tôi như ăn gỏi”. Bác Hai lại cười: “Chú không tin hả, tôi chấp chú con xe đánh thử”. Ván đó, tuy nhiều hơn quân xe nhưng cờ ba tôi kẹt cứng, chẳng triển khai tấn công được, muốn thí quân cũng không xong, đành thúc thủ. Ba tôi phục sát đất.
Ba tôi bảo: qua đánh cờ mà biết tính người; chơi cờ cũng là thể hiện cách sống. Khó khăn không lùi bước, mạnh dạn tiến lên nhưng cũng có lúc biết lui về phòng thủ; thắng không kiêu, bại không nản; gặp kẻ mạnh không sợ, thấy kẻ yếu không khinh… Có lẽ vì học được điều này, tôi giống ba ở chỗ đánh cờ hay lên tượng trước, rồi thả mã lên lần lần, giăng pháo hai bên, đưa xe giữ hà, một cách chậm chạp, khá chắc chắn. Nhiều người bảo đó là kiểu “cờ già”. Có lẽ đúng!
Ba tôi cũng hay nhắc chuyện chú Hòa. Chú rất giỏi võ, có lần ở bến xe, hai tay ôm hai con gà đá mà đánh nhào hai gã móc túi. Ngoài món đá gà, chú cũng mê đánh bài nữa. Ba nói: “Nó háo thắng để lấy phần của người khác thành ra cuộc đời sướng ít buồn nhiều, vui ngắn sầu lê thê…”
Tôi rất tâm đắc bài học làm người từ chuyện đánh cờ này!

Tạp bút

NƯỚC ĐỒNG NAI…

Dân gian có câu: “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Các nhà nghiên cứu cho rằng, từ trước năm 1820 (năm ra đời Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức), người dân Gia Định (mà cũng là miền Nam) đã sử dụng câu này. Theo Trịnh Hoài Đức, nước sông Đồng Nai nổi danh mát, sạch, ngon, ngọt, nếu dùng nấu pha trà thì ở Nam bộ không nơi nào sánh bằng. Mà Đồng Nai cũng nên hiểu là vùng miền Đông nói chung. Còn về thức ăn, gạo ở huyện Cần Đước là ngon nhất. Ở Long An có hàng chục loại gạo bắt đầu bằng từ nàng: nàng chò, nàng co, nàng hương, nàng minh, nàng quất, nàng rẫy, nàng rừng, nàng sóc, nàng thơm, nàng tri… Trong các loại lúa trên thì nàng thơm ở chợ Đào là nổi tiếng nhất. Chợ Đào là một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kênh Xóm Bồ chảy qua xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (tỉnh Long An)…
Hồi nhỏ, gia đình tôi sống ở Đồng Nai. Nơi đó khá xa sông Đồng Nai nên trong suy nghĩ của tôi, “nước Đồng Nai” có thể chỉ nước nói chung, chứ không nhất thiết là nước sông. Nhưng quả thật, nước giếng Đồng Nai rất trong, ngọt và mát. Các mạch nước ngầm nằm sâu dưới các tầng đá cổ, các lớp đất badan nên có sự tinh khiết…
Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là sự khan hiếm nước vào mùa khô. Ở vùng cao nguyên, trừ những chỗ gần sông, gần suối, còn lại thì không thể tìm được nguồn nước sạch. Tôi vẫn nhớ như in những buổi theo người lớn đi thồ nước ở các bàu nước. Bàu là một cái đầm, một cái hồ nhỏ, vốn là một chỗ trũng sâu xuống, dưới đáy có thể có một số mạch nước ngầm. Dù sao thì bàu cũng là một dạng ao tù. Mùa nắng, những người quanh vùng cùng đến đây để gánh nước, thồ nước, tắm giặt. Nhiều người nhảy ùm xuống làn nước mát lạnh để vùng vẫy, trong khi nhiều người khác xách nước lên bờ để giặt đồ hoặc tắm. Nước đó cũng được mang về nhà làm nước nấu ăn… Hồi nhỏ, tôi thấy bình thường nhưng bây giờ nghĩ lại quả là mất vệ sinh!
Ở những nơi không có bàu, người ta phải đến các giếng đào để lấy nước. Một cái giếng thường có miệng rộng từ 1 – 1,5m, sâu từ 20 – 30m. Thành giếng được ốp các hòn đá; trên miệng có bắc những thanh gỗ để gắn một trục quay nước và làm chỗ đứng chân. Nhìn xuống đáy giếng sâu hoắm, tôi thường rùng mình… Đào được một cái giếng quả là kỳ công bởi phải vừa đào bới đất, vừa đưa những hòn đá lên trên; nhiều khi phải dùng thuốc nổ để đánh vỡ những tảng đá lớn… Hồi đó, chỉ những nhà khá giả mới có giếng…
Nhưng đi lấy nước cũng là việc kỳ công. Vào buổi sáng sớm hoặc cuối ngày, thường có đông người đến lấy nước nên phải xếp hàng chờ đợi để rồi phải vất vả quay từng thùng nước cho vào các thùng phuy (loại 120 lít) hoặc các can nhựa (loại 30 lít) rồi đẩy xe đạp hoặc xe thồ về nhà. Có người còn phải gánh. Để đỡ phải mang nước đi lại, nhiều người mang quần áo đến giặt tại chỗ.
Từ hồi nhỏ, tôi đã theo người lớn đi lấy nước. Lâu lâu tham gia quay nước vài cái thì đã vã mồ hôi, thế nào cũng xin nửa thùng nước để xối ào một cái và tận hưởng làn nước mát thấm vào da thịt. Chưa biết đẩy xe thồ thì đi “tăng bo”, đẩy phía sau khi lên dốc hoặc kéo lại khi xuống dốc. Lớn một chút thì “cầm tài”, chân trần phăm phăm trên những con đường đầy đá sỏi. Về đến nhà, từng ca nước đều quý báu thì bao nhiêu giọt nước là bấy nhiêu giọt mồ hôi… Ấy vậy mà có hôm thồ được nửa đường thì trời mưa to, tôi phải đành đổ cả xe nước để đẩy xe không về. Hôm khác, đi nửa đường thì càng xe bị gãy, xe thồ bị ngã, nước đổ lênh láng, về đến nhà, ba tôi cứ xuýt xoa, “may mà con bị không sao”…
Bây giờ quê tôi không còn những cái giếng đào kiểu đó nữa. Cũng không còn ai đi đẩy từng thùng nước. Ở những trục đường chính, nước máy đã đến tận nhà; trong rẫy thì hầu như nhà nào cũng có giếng khoan, bơm bằng máy nổ hoặc bằng điện. Tệ nhất cũng đã chở nước bằng xe máy, đổi từ các “cây nước” công cộng. Nước Đồng Nai bây giờ có lẽ vẫn mát rượi nhưng ngọt hơn, vì không còn pha thêm những giọt mồ hôi…
Tôi hay kể chuyện lấy nước hồi nhỏ để nhắc các con tôi phải luôn tiết kiệm nước!

Tạp bút

SINH NHẬT


Là người mở blog này, lâu lâu, đến sinh nhật bạn nào trong lớp, tôi lại post lời chúc mừng. Không biết có bao nhiêu bạn thấy lời chúc mừng này để trực tiếp gọi điện, gửi tin nhắn chúc mừng bạn... Thậm chí tôi cũng không biết người được chúc mừng có biết không nữa... Thành ra, lâu lâu, tôi lại gửi link đến cho vài bạn để... nhắc nhở!

Nhưng hôm rồi đến sinh nhật của mình, tôi nghĩ, chẳng lẽ tự mình post lời chúc mừng chính mình. Cũng chẳng lẽ mượn danh ai đó để gửi lời chúc? Kiểu nào cũng không ổn. Thành ra... làm thinh! Có lẽ vì thế mà chẳng bạn nào nhớ nên không ai gửi lời chúc mừng. Trừ Tống Quế, bây giờ không biết Quế gửi lời chúc trong vai là bạn hay là em rể nữa!

Nhớ ngày nào, sinh nhật là một dịp để bạn bè gặp gỡ nhau, hàn huyên đủ thứ. Có đứa đạp xe cả chục cây số để đến nhà trọ mà gặp nhau. Những món quà nho nhỏ, những lời chúc dễ thương, những bữa ăn vui vẻ... Tôi nhớ mãi những cánh thiệp xinh xinh, của Duy, Ngọc, Trung, Thủy, Hằng... Tôi giữ những tấm thiệp này như giữ những kỷ niệm đẹp một thời trẻ trung...

Còn bây giờ, các bạn có điện thoại, có email của nhau. Nhưng sinh nhật của bạn thì có lẽ nhiều người không còn nhớ...

Không ai có lỗi, cũng chẳng ai đáng trách cả. Chúng ta bây giờ đều quá bận rộn mà! Chúng ta có quá nhiều điều để lo mà. Chúng ta có quá nhiều điều để nhớ mà. Chúng ta không có nhiều thì giờ để nhớ những chuyện vặt vãnh! Chỉ là sinh nhật thôi mà!

Các bạn thì nghĩ sao?