Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Bài sưu tầm


Theo Hồn Việt, ngày 25-08-2011
Mai Thế Phú

Cuộc thi được tổ chức cách nay nửa thế kỷ, vào ngày 20-2-1955 tại rạp Lido, rạp lớn nhất Sài Gòn - Chợ Lớn hồi đó, có sức chứa cả ngàn người, đã đưa một nhà báo trẻ có bút danh Thu Trang trở thành hoa hậu. Có nhiều chuyện thú vị về người đẹp Thu Trang, sau này trở thành nhà sử học nổi tiếng, hiện sống tại Pháp.
Cuộc thi hoa hậu này có hơn 30 thí sinh trong buổi thi chính thức là những người đẹp đã lọt qua vòng sơ tuyển qua hồ sơ lý lịch và ảnh gửi trước cho ban tổ chức. Không có phần thi áo tắm nhưng vẫn hấp dẫn. Nội dung cuộc thi không có phần mặc áo tắm nhưng bộ phận chuyên môn của ban giám khảo có đo các chỉ số chiều cao, thể trọng và số đo ba vòng. Sau này, khi nhớ lại, những người đẹp dự thi hoa hậu năm ấy kể rằng nếu cuộc thi bắt buộc phải mặc áo tắm thì chắc chẳng ai dám thi, kể cả những cô vẫn thường mặc đồ tắm đi bãi biển nhiều lần rồi.
Đây là lần đầu tiên Sài Gòn có cuộc thi sắc đẹp do Bộ Thông tin và Bộ Xã hội, chính quyền miền Nam tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Ban tổ chức bao gồm cả một số nhân sĩ và nhà báo. Số tiền bán vé vào cửa được thông báo là ủng hộ Ủy ban Chẩn tế Xã hội, một cơ quan từ thiện hồi đó.
Kết quả cuộc thi: Á hậu thứ hai là sinh viên Ngô Yên Thu, người Cần Thơ; thứ nhất là Nguyễn Thị Ninh, sinh viên người Hà Nội mới vào Nam. Người vinh dự nhận vòng nguyệt quế là nhà báo Thu Trang, 23 tuổi, cao 1,61 m, nặng 53 kg, số đo ba vòng 86-62-88. Xin nhớ lại, ở thập niên 1950, ngay các ngôi sao điện ảnh và người đẹp nổi tiếng trên thế giới cũng vẫn còn có chiều cao vừa phải, chỉ 1,6 m hoặc hơn một chút (như Elizabeth Taylor, Audrey Hepburn, Odile Versois...).
Khi tên hoa hậu được tuyên đọc, hội trường vang dậy tiếng vỗ tay, sân khấu tràn ngập mấy chục nhiếp ảnh gia, quay phim và nhà báo. Ca sĩ đang rất nổi tiếng dạo đó là Tâm Vấn cũng đại diện khán giả nữ lên sân khấu chúc mừng. Ra khỏi rạp Lido, sau khi thỏa mãn rừng người xin chữ ký và xin chụp ảnh chung, hoa hậu được mời lên xe hơi mui trần màu xanh bóng loáng nước sơn mới để đi diễu hành trong khoảng hai tiếng đồng hồ qua các đường phố chính của TP.
Hoa hậu Thu Trang là ai?
Sau ngày 30-4-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thu hồi tòa Đại sứ Sài Gòn tại Paris. Đại sứ Phạm Văn Ba đọc được trong hồ sơ giấy tờ có ghi: Công Thị Nghĩa tức nữ diễn viên màn bạc Thu Trang là Việt Minh, Việt Cộng nằm vùng...
Vâng, Thu Trang là bút danh chính (cùng các bút danh khác như Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu...) của nhà báo Công Thị Nghĩa khi chị bắt đầu viết bài trên tờ Cần Học đầu năm 1954 và sau đó trên các báo Sài Gòn Mới, Tân Văn, viết truyện ngắn trên Phụ nữ Diễn đàn, viết feuilleton (truyện nhiều kỳ) trên Lẽ Sống... Còn “diễn viên màn bạc” là do trong hai năm 1956 và 1957, Thu Trang tham gia diễn xuất hai phim của nền điện ảnh non trẻ, trong đó ở phim Lục Vân Tiên, ngoài việc đảm nhận vai nữ chính Kiều Nguyệt Nga, chị còn lãnh việc lồng tiếng cho tất cả các vai nữ trong phim (vì thâu tiếng tại Nhật, không có kinh phí cho nhiều người đi). Đây là phim truyện màu đầu tiên của Việt Nam, cũng là phim VN đầu tiên tham dự Đại hội Điện ảnh châu Á tại Tokyo.
Nhưng tại sao Thu Trang lại là Việt Minh, Việt Cộng, hơn nữa lại được ghi trong hồ sơ của sứ quán chính quyền Sài Gòn tại Pháp? Xin được tóm lược chuyện dài đó như sau:
Từ năm 1950-1951, trưởng thành từ phong trào học sinh sinh viên, Công Thị Nghĩa đã ở trong tổ công tác của Ban Tình báo đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định gồm bốn người do anh Năm Tú Trần Thanh Vân làm tổ trưởng, anh Hai Tắc Trần Kim Lang (hai anh là cán bộ chủ chốt ở TP.HCM sau ngày giải phóng) và liên lạc viên là chị Tư Ngà. Nghĩa trẻ nhất trong bốn người nên được mang bí danh là Tư (tên thật và theo thứ tự trong gia đình là Ba Nghĩa).
Thời gian đó, nhiều lần Nghĩa bí mật theo liên lạc viên lên vùng Bến Cát, Tân Uyên dự huấn luyện về công tác nội thành. Giữa năm 1952, Nghĩa bị bắt, bị tra tấn ở bót Catinat, và bị giam chung với nhiều chính trị phạm (trong đó có các đồng chí Nguyễn Thị Châu Sa tức Nguyễn Thị Bình và Đỗ Duy Liên) ở khám Gia Định và khám lớn Sài Gòn. Nhờ sự bào chữa và can thiệp của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Công Thị Nghĩa được ra tù cuối năm 1953.
Trên đất Pháp
Năm 1960, với tư cách diễn viên điện ảnh, Thu Trang được Chánh văn phòng Bộ Thông tin chính quyền Sài Gòn giới thiệu làm việc với đoàn công tác của Đài Truyền hình Pháp và được họ mời sang Pháp tham gia diễn xuất trong một bộ phim dài đã có dự án cụ thể. Đầu tháng 11-1960, chị lên máy bay Air France qua Pháp trong tâm trạng ngổn ngang trăm bề Quê cha đất mẹ tôi ơi/ Giã từ tất cả quê người tôi đi/ Còn bao nhiêu độ xuân về?/ Có còn chăng chút đam mê tuổi vàng? (thơ Thu Trang, 1961).
Số phận đưa đẩy, sau vài tháng, bộ phim được chờ đợi không triển khai được, Thu Trang xin vào học École pratique des Hautes Études: Section des Sciences historiques et philologiques -Trường Cao học về lịch sử và ngữ văn - thuộc trường Sorbonne lâu đời và rất nổi tiếng của nước Pháp. Trong tâm trạng bùi ngùi nhớ quê, sau những buổi học, chị một mình dạo bước dưới bóng tháp chuông nhà thờ Đức Bà Paris, men theo bờ kè sông Seine quấn đầy dây lá thường xuân màu vàng soi bóng trên dòng nước xanh đậm thản nhiên trôi chậm về biển Manche. Xa xôi mới có trang thơ/ Ngẩn ngơ niềm nọ, vương tơ nỗi này/ Paris mưa tuyết gió bay/ Hay đâu tâm sự những ngày xưa sau/ Ánh trăng tan đã phai màu/ Xuân xanh còn độ ngàn sau còn dài (thơ Thu Trang, 1962). Chị ngỡ ngàng, xa lạ trước cuộc sống mới, nhưng phải hòa nhập để sống.
Số tiền dành dụm mang theo từ Việt Nam ngày càng cạn kiệt, Thu Trang phải vừa đi học vừa tìm việc làm thêm. Nhờ đã học và biết rành cả Anh ngữ từ khi còn ở Sài Gòn, Thu Trang kiếm được lúc thì một chân thông dịch tiếng Anh và tiếp khách ở một mỹ viện sang trọng ngay trên đại lộ Champs Élysées, lúc theo một đoàn làm phim về vùng Camargue miền duyên hải phía Tây nước Pháp làm công việc phụ diễn, lúc lại làm gia sư dạy tiếng Anh cho hai đứa trẻ 11 và 13 tuổi, con một bà chủ tiệm bán hoa tươi trong khu la-tinh gần trường và chính tại đây, chị đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên khuynh tả, rất quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Và một sinh viên y khoa trong nhóm, sau này là giáo sư, tiến sĩ khoa học đã trở thành người bạn đời tâm đầu ý hợp của chị.
Kiên trì khắc phục khó khăn, thâm nhập cuộc sống với những nét văn minh và phong tục khác lạ, Thu Trang tốt nghiệp cao học năm 1967. Cũng từ những năm này, chị bắt đầu tham gia tích cực và trở thành hạt nhân trong phong trào Việt kiều. Và sau những nỗ lực phi thường, năm 1978, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris VII với đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp.
Chị trở thành nhà sử học VN ở nước ngoài, với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Paris 1917-1923, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000 (Bản tiếng Pháp, NXB Harmattan, Paris, 1992) và những tác phẩm nghiên cứu và phổ biến kiến thức về du lịch... Chị làm Tổng thư ký Hội Khoa học Xã hội ba khóa liên tiếp và hiện là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp.
Và những kỷ niệm.
Tấm lòng yêu nước chân thành và bền bỉ thôi thúc suốt hơn nửa thế kỷ, từ tuổi trẻ sôi động lúc còn ở trong nước cho đến khi hoạt động không ngừng nghỉ ở nước ngoài, Thu Trang đã gặp gỡ, quen biết rất nhiều người thuộc nhiều khuynh hướng chính trị, xã hội, nghệ thuật khác nhau. Chị đã có những lần gặp riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi ở một căn phòng nhỏ trong Phủ Chủ tịch, khi đi dạo trong vườn cùng Thủ tướng và người con trai của ông. Chị có mối quan hệ đặc biệt, nhiều kỷ niệm vui buồn sâu sắc từ đầu thập niên 1950 đến giữa thập niên 1980, với luật sư, sau này là Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ.
Mới đây, trong một buổi đãi cơm đồng chí Nguyễn Thị Bình từ Việt Nam qua và GS Lê Thành Khôi, tại căn nhà của mình, số 9 đường Pasteur, Montrouge, Bắc Paris, chị Thu Trang báo tin, chị mới hoàn tất bản thảo tập hồi ký Một thời để nhớ khoảng 500 trang. Hy vọng chúng ta sớm được đọc những trang viết về cuộc đời sinh động của người phụ nữ tài danh này. (*)
Chị là người quảng giao, quen biết nhiều với văn nghệ sĩ, như nhà văn Phạm Văn Ký, người được giải văn chương của Académie Francaise (Viện Hàn lâm Pháp) năm 1961 với tiểu thuyết Perdre la demeure – Mất nơi ở; học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Vũ Hạnh, Đoàn Thêm... Thi sĩ Bùi Giáng là người để lại ở Thu Trang ấn tượng khó quên.
Chị kể: Hồi tôi chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng mấy lần tới nhà. Một chiều mưa dầm, không khí ẩm lạnh, cả nhà đang sửa soạn ăn tối. Anh gõ cửa khá mạnh làm mọi người giật mình. Anh bước vào ngồi phịch xuống ghế, mặt buồn bã như người bệnh. Tôi pha ấm trà nóng mời anh. Anh im lặng thật lâu rồi hỏi: Cô sắp đi Pháp? Bao giờ về? Đi chơi à? Tôi hơi ngạc nhiên vì kiểu nói nhát gừng của anh. Im lặng thật lâu rồi anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về. Trời vẫn đang mưa, tôi giơ tay định cản. Anh im lặng không lời từ giã, đi ra cửa.
Đó là lần cuối cùng Thu Trang gặp thi sĩ Bùi Giáng. 24 năm sau, nhà phê bình văn học Đặng Tiến từ VN trở lại Pháp đem sang cho chị (anh nói do một bạn ở nhóm Bách Khoa gửi) một đôi guốc kiểu xưa bằng gỗ có chạm hai bên bốn câu Kiều bằng chữ Nôm và quốc ngữ: Phòng văn lạnh ngắt như đồng/ Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan/ Mành tương phơ phất gió đàn/ Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
Theo Việt Báo

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Bài sưu tầm

ĐÀO TRINH NHẤT(1900-1951)
TỪ MỘT NHÀ BÁO SÁNG DANHĐẾN MỘT HỌC GIẢ KHẢ KÍNH

Nguyễn Đình Chú

Đào Trinh Nhất là nhân vật đã được Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại quyển Ba ở mục Truyện ký và lịch sử ký sự mệnh danh là “một tay kỳ cựu trong làng văn làng báo Nam kỳ và Bắc kỳ”. Đặc biệt, ngày ông qua đời (23-2-1951), báo chí trong Nam ngoài Bắc đã tôn vinh, dành cho ông không ít lời tốt đẹp: “Một lão thành trong làng báo”, “Một anh tài”, “Một kiện tướng trong văn giới, báo giới”, “Một ký giả lão thành”, “Một nhà báo kiêm sử gia có tiếng”, “Học vấn uyên thâm và thiên tài về nghề báo”, “Một danh tướng trong làng báo Việt Nam”... điếu văn của chủ nhiệm báo Cải tạo, nơi ông là chủ bút thì viết: “Nhớ anh xưa:khoa bảng nhà dòng, văn chương nếp cũ/ Học nhiều biết nhiều, Tây có Nho có/ đường trường dong vó ngựa, Nam tiến bao phen. Bể rộng vượt cánh hồng, Tây du mấy độ/ Cành câu cơm áo, đường công danh dơ gót mặt đua chen/Ngòi bút sắc đanh, trường ngôn luận thích đóng vai tự chủ”.
Vậy mà thời gian ít nhiều đã lãng quên ông.
Ngay người viết bài này, gần nửa thế kỷ trước đã phục ông khi đọc Nước Nhật Bản 30 năm duy tânĐông Kinh nghĩa thục nhưng rồi cũng chỉ ngừng ở đấy. May mắn gần đây có ông Đào Duy Mẫn, một người nhiệt tâm với thân tộc, sau khi thành công với tuyển tập Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ mà tôi cũng có tham gia trong việc giới thiệu bài Văn sách thi Đình của cụ Hoàng Giáp cách đây vài năm, nay lại làm tiếp Tuyển tập tác phẩm Đào Trinh Nhất và cũng mời tôi tham gia. Quả thật lần này, nhờ sự hỗ trợ tư liệu của ông Đào Duy Mẫn mà tôi được tiếp cận với tác giả Đào Trinh Nhất tương đối đầy đủ hơn trước nhiều thì lòng cảm phục đã tăng lên gấp bội lần.
Tôi thấy đây là một ngòi bút có tài, có tầm, có tư tưởng không dễ có nhiều ở đương thời, cần được làm sống dậy cho xứng với tác giả đã đành mà còn cần cho đông đảo độc giả, những ai đang tha thiết quan tâm đến việc kho báu văn hoá tinh thần của dân tộc giữa thời buổi hội nhập gấp gáp, sôi động chưa từng có, được nhiều mà mất cũng không ít.
TỪ MỘT NHÀ BÁO SÁNG DANH...
Đào Trinh Nhất xuất thân với nghề làm báo. Ông từng là chủ bút hoặc bỉnh bút của nhiều tờ báo khắp Nam Bắc trong khoảng 30 năm trời. Hữu Thanh tạp chí, Thực nghiệp dân báo, Trung Hoà nhật báo, Đông Pháp (phụ trương bằng Việt ngữ của tờ France Indochine), Phụ nữ tân văn, Thần trung, Công luận, Đuốc nhà Nam, Mai, Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Sài Gòn mới, Ánh sáng, Tri tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Nước Nam, Việt thanh, Cải tạo. Thời gian du học ở Pháp (1926-1928), ông đã viết trên Việt Nam hồn.
Không biết trong làng báo nước ta xưa nay đã có bao nhiêu người có mặt trên nhiều báo chí như Đào Trinh Nhất mà phần lớn lại là báo có thanh thế, nhiều độc giả của đương thời. So với nhiều người làm báo cùng thời, Đào Trinh Nhất có mấy điều lợi thế hẳn hoi.
- Một, ông là con của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, từng là yếu nhân của trường Đông Kinh nghĩa thục. Cái tên trường Đông Kinh nghĩa thục là do cụ đề xuất và được chấp nhận. Cụ lại là người làm báo đầu tiên của miền Bắc: Đốc biện (tức chủ bút) Đại Nam đồng văn nhật báo, chủ bút Đại Việt tân báo là tờ báo đầu tiên ở Hà Nội một nửa bằng chữ Hán, một nửa bằng chữ quốc ngữ (năm 1905). Năm 1907, đại Nam đồng văn nhật báo chuyển thành đăng cổ tùng báo có quan hệ gần gũi với phong trào Đông Kinh nghĩa thục, trong đó phần chữ Hán vẫn do cụ làm chủ bút. Trường Đông Kinh nghĩa thục chỉ tồn tại được 9 tháng (3-1907 - 12-1907) thì bị giải tán. Năm 1908, sau vụ Hà thành đầu độc binh lính Pháp, các cụ tham gia Đông Kinh nghĩa thục bị khủng bố. Cụ Đào Nguyên Phổ bị truy lùng ráo riết. Trong cơn nguy nam đó, để tránh phiền toái cho người thân và những người từng cưu mang che chở cho mình, cụ đã quyên sinh. Cuộc sống cao cả của người Cha như vậy chắc hẳn đã ảnh hưởng rất lớn đến người con, mặc dù lúc cha qua đời thì con mới lên 8 tuổi.
Đào Trinh Nhất chịu ảnh hưởng cha trước hết là về nhân cách một con người đã sống chết với chính nghĩa, với lý tưởng ích quốc lợi dân, với nhiệt tình duy tân đất nước. Và dĩ nhiên còn là ảnh hưởng về sở thích, về khả năng làm báo trong đó có ký sự, có sử học. Một đời cầm bút của Đào Trinh Nhất đã để lại rất rõ những ảnh hưởng sâu đậm đó. Đây là hiện tượng cha truyền con nối, cha thế nào, con thế ấy, khá đẹp. Đào Trinh Nhất là người con có hiếu. Có thể chưa làm được một việc lớn như cha, nhưng ít ra cũng không làm việc gì đi chệch hướng của cha.
- Hai, Đào Trinh Nhất cũng có điều này khác với nhiều người làm báo đương thời. Ấy là chỗ, có những nhà báo nổi danh, ngang hoặc hơn cả Đào Trinh Nhất như Tản Đà, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Ngô Tất Tố...nhưng đến với công việc viết báo, chủ yếu vẫn chỉ bằng văn hoá Hán học, dĩ nhiên ít nhiều đã được hiện đại hoá. Ngược lại không ít người làm báo khác cũng nổi tiếng như Hoàng Tích Chu hay như các cây bút của Phong hoá, Ngày nay thì hầu hết lại chỉ có Tây học. Trong khi ở Đào Trinh Nhất là vừa Hán học, vừa Tây học. Về Hán học, với ông, ngày học trường Đông Kinh nghĩa thục đã có được một ít. Sau đó, học thêm và đã dự kỳ thi Hương cuối cùng năm 1915 dù không đỗ. Về Tây học, ông là học sinh trường Quốc tử giám ở Huế mà chương trình học vừa có Hán học vừa có Tây học. Sau đó từ năm 1926 đến 1928, ông lại cùng Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn du học Pháp, chuyên ngành báo chí. Đọc vào báo phẩm, văn phẩm của Đào Trinh Nhất, ta thấy rõ các thế mạnh, chỗ hơn nhiều người khác của ông chính là ở vốn tri thức vừa có Hán, vừa có Tây, vừa có cổ, vừa có kim. Và chính đó đã lộ tư cách học giả của ông ngay trên mặt báo chí.
- Ba, cũng còn một nét khác giữa công việc làm báo của ông so với nhiều người làm báo khác đương thời là ông ít viết theo từng bài lẻ, mà viết theo chủ điểm lớn, viết theo hệ thống, theo chuyên đề... để rồi xâu chuỗi lại là thành một công trình chuyên khảo. Không ít công trình chuyên khảo của ông được in về sau là kết quả của một trạng thái làm báo mang phong cách riêng đó.
...ĐẾN MỘT HỌC GIẢ KHẢ KÍNH
Đào Trinh Nhất đã để lại cho đất nước những tác phẩm sau đây:
Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (1924), Cái án Cao Đài (1929), Đông Chu Liệt Quốc (dịch), Thần tiên kinh (dịch), Nước Nhật Bản 30 năm duy tân (1936), Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Phan Đình Phùng - Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886 - 1895) ở Nghệ Tĩnh (1937), Đông Kinh Nghĩa Thục (1937), Đời cách mệnh Phan Bội Châu (dịch Ngục trung thư), Cô Tư Hồng (1942), Vương An Thạch (1943), Vương Dương Minh (1943), Chu Tần tinh hoa (1944), Lê Văn Khôi, Bùi Thị Xuân, Kẻ bán trời, Mộc Lan tòng quân, Con trời ngã xuống đất đen (1944), Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (1946), Liêu trai chí dị (dịch - 1951) ([1])
Qua danh mục trên đây, thấy rõ Đào Trinh Nhất đã để lại một khối lượng tác phẩm vừa đồ sộ, vừa đa dạng với nhiều thể loại (khảo cứu, ký sự, lịch sử, tiểu thuyết, dịch thuật) thuộc phạm vi đất nước là chính nhưng cũng có ngoài nước thuộc Đông là chính nhưng cũng có Tây. Trong đó nổi lên ba luồng tư tưởng lớn có ý nghĩa đối với đất nước, đối với thời đại:
- Một, thuộc về quốc kế dân sinh.
- Hai, thuộc về khát vọng duy tân đất nước.
- Ba, cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và những gương sáng anh hùng cứu nước.
Ngoài ba chủ điểm đích đáng đó còn là những “giai thoại lịch sử” là những nhân vật lịch sử này khác, là cuộc đời của một me Tây, là cuộc sống của những “con trời ngã xuống đất đen”...
Về vấn đề quốc kế dân sinh, công trình đáng giá nhất là cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ. Chúng ta đều biết vấn đề khách trú (chính là vấn đề Hoa kiều) trên đất nước ta, dù hôm nay thì chính sách của nhà nước ta đã rõ, nghĩa là coi Hoa kiều là một thành phần trong đại gia đình Việt Nam. Nhưng trong lịch sử, vấn đề đó không đơn giản chút nào. Trước thực tế làm ăn khôn ngoan, giỏi giang của người Hoa, ở nước ta không phải không có người đã lo sợ đến sự lấn át của họ đối với người Việt. Một khuynh hướng bài Hoa không phải không ít nhiều đã có, được báo chí đương thời phản ánh.
Đào Trinh Nhất vốn tâm huyết với lịch sử dân tộc, cũng đã đề cập tới vấn đề này qua công trình này. Điều đáng nói ngay là cách đề cập của ông công phu hơn, nghiêm túc hơn và cũng là đúng đắn hơn nhiều so với người đương thời.
Trước hết là bằng một sự khảo sát cụ thể, tỉ mỉ, trực tiếp ở đây là thuộc địa phận Nam Kỳ. Từ đó cho người đọc thấy: cả nước có 35 vạn người Hoa thì Nam Kỳ là 20 vạn và quả thật, họ đã khôn ngoan, giỏi làm ăn hơn, do đó đã lấn át người Việt khá rõ. Và từ sự thật không hay đó cho đát nước, ông không đặt vấn đề bài Hoa theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, bất lợi mà theo tinh thần dân tộc chân chính, tỉnh táo là chủ trương di dân hai miền Trung, Bắc vào Nam mà theo ông có hai ý nghĩa lớn:
“Một là tư bản và nhân công hợp với nhau. Tư bản và nhân công là hai tài liệu để lập nên một nước phú cường. Tất phải tương tri tương trợ lẫn nhau, rời nhau ra thì đều là vô dụng, lại có hại nữa. Thế giới ngày nay xướng lên cái chủ nghĩa tư bản và cái chủ nghĩa lao động có ý phản đối với nhau, thường khi bọn thợ đình công mà công nghệ phải chịu ảnh hưởng lớn, thường khi ông chủ đóng cửa xưởng mà bọn thợ đến nỗi mất việc làm, chính cớ rành rành là nước Nga gây nên cái chính sách lao nông mà trong nước tan tành ra đó...Nước ta, Nam Kỳ sẵn của mà việc làm thiếu người. Trung Nam Bắc sẵn người mà làm việc thiếu vốn, bấy lâu nay lìa rẽ với nhau, cho nên chưa thấy kinh doanh được việc làm gì to tát cả. Vậy nên di dân vào Nam Kỳ, tức là cách kết hợp nhân công với tư bản vậy. Vả chăng, ta cũng nên biết rằng, muốn đạt được bao nhiêu cái kỳ vọng lớn lao của ta sau này thì phải lấy Nam Kỳ làm trường hành động mới được.
Hai là liên lạc được mấy xứ. Nói đến tiếng liên lạc cũng là việc chẳng đã vì nước mình suốt từ Bắc đến Nam sinh cùng một nòi, nói cùng một tiếng, theo cùng một văn hoá, giữ cùng một tính tình, li gián từ đâu mà ngày nay phải nói đến chuyện liên lạc? Duy gần đây, vì sự ngẫu nhiên của lịch sử mà mỗi xứ phục theo một chính thể riêng, cho nên sự trao đổi tình ý với nhau không khỏi có chỗ ngăn trở đến nỗi tưởng lầm rằng: không phải cùng nhau một lịch sử chung, một nguồn gốc chung, một tiếng nói chung, một lễ nghĩa chung”.
Những lời lẽ trên đây cho thấy tác giả đã để lộ những tư tưởng rất lớn khi đặt vấn đề di dân Trung Bắc vào Nam Kỳ: di dân vào đay là để tạo ra sức mạnh cho Nam Kỳ mà cũng là cho cả nước để cạnh tranh trước thế lực khách trú. Là để củng cố, xây dựng lại sự thống nhất đất nước khi đã bị hao hụt do chính sách chia để trị của thực dân, coi ba kỳ như ba xứ sở riêng biệt. Đặc biệt, trong việc di dân Trung Bắc vào Nam Kỳ để xây dựng và phát triển, tác giả đã chạm vào một vấn đề rất lớn của thời đại, của thế giới là việc xử lý quan hệ giữa hai giai cấp tư bản và công nông: đối kháng hay cộng sinh mà theo tác giả phải là cộng sinh.
Rõ ràng là thời gian đã chứng minh hùng hồn cho quan điểm của tác giả. Những tài liệu gần đây được phát hiện của Mác-Engghen ở giai đoạn cuối, đặc biệt là của Engghen cho thấy quan điểm của Đào Trinh Nhất vào năm 1924 là một sự trùng khớp và ở Việt Nam là sự đi trước thời đại. Cũng cần nói thêm: Đào Trinh Nhất không sa vào chính sách bài Hoa bởi chính ông trong tác phẩm còn chủ trương học tập những kinh nghiệm làm giàu của họ. Với ông là theo quy luật cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua. Do đó, phải biết phát huy tối ưu vai trò của nội lực để thành kẻ mạnh trong khi buộc phải cạnh tranh, không thể khác. Ý nghĩa triết học chính là ở đó.
Thuộc luồng tư tưởng duy tân tự cường, với Đào Trinh Nhất, có các tác phẩm Nước Nhật Bản 30 năm duy tân, Vương An Thạch, Vương Dương Minh... Chúng ta đều biết: cuộc duy tân Minh Trị của Nhật Bản từ năm 1868 là một hiện tượng thần kỳ trong lịch sử không chỉ là ở châu Á mà còn là trên thế giới. Từ một nước chỉ toàn đảo là đảo, nằm chơi vơi giữa biển Đông, tài nguyên cũng chẳng có là bao, nhưng qua cuộc duy tân, với khẩu hiệu tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật phương Tây mà chỉ trong vòng mấy chục năm, đã trở thành một cường quốc rồi là cường quốc thứ hai của thế giới, cùng với Thái Lan là hai nước vẫn giữ vững độc lập dân tộc trong khi hầu hết châu Á đã bị các đế quốc phương Tây chiếm đóng. Ngay đến cái nước Trung Hoa khổng lồ, từng làm mưa làm gió trong khu vực trước đó thì rồi cũng như một con voi già bị các chú sói từ trời Tây đến, con gặm tai, con gặm má, con gặm đùi, nhục hết nói...Còn Nhật Bản không chỉ giữ trọn độc lập mà còn chiến thắng cả một cường quốc trong chiến tranh Nhật-Nga (1905). Và ngày nay thì đã có thể tuyên bố với thế giới: Tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật Nhật Bản. Tất nhiên, bên cạnh sự nghiệp thần kỳ đó, Nhật Bản đã sa vào chủ nghĩa phát xít, một thời gây tội ác lớn trong khu vực, với Việt Nam ta.
Mặc dù vậy, công cuộc duy tân thần kỳ của Nhật Bản vẫn là một hiện tượng hấp dẫn muôn đời. Ở nước ta, từ năm 1875 (Ất Hợi) trong chế sách thi Đình, vua Tự Đức đã nêu vấn đề để hỏi các vị Đình thí với cái ý là: “ Gần đây người ta lại rất coi trọng phương pháp của người Tây”, “có người lại muốn thay đổi văn hiến ngàn năm của ta, mới có thể đến cõi văn minh được. Đúng thế chăng, không đúng thế chăng?”, “Tất có người phân biệt được. Phải chăng là họ thấy nước Nhật Bản gấp theo công hiệu cận tiện mà cho là nên bắt chước chăng?”.
Đúng là nhà vua đã thấy Nhật Bản nhờ duy tân học tập phương Tây mà thịnh vượng lên. Từ đó đặt vấn đề ta có nên bắt chước Nhật Bản không. Nếu bắt chước thì vấn đề giữ gìn văn hiến ngàn năm phải thế nào?
Sang đầu thế kỷ 20, trong phong trào Đông Du, hướng theo Nhật Bản duy tân, bài ca Á tế Á đã có những lời ngợi ca nồng nhiệt công cuộc duy tân của Nhật Bản:
.... “Cờ tự lập đứng đầu phất trước,
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn
Thái Đông(1) nổi hiệu duy tân
Nhật Hoàng là đấng minh quân ai bì([2])
Dòng Thần Vũ riêng về một họ
Vùng Phù Tang([3]) soi đỏ góc trời”

Sách báo Việt Nam trong 100 năm qua, đặc biệt là sau này, hẳn đã nói nhiều về công cuộc duy tân của Nhật Bản. Nhưng công trình Nước Nhật Bản 30 năm duy tân của Đào Trinh Nhất vẫn có vị trí không ai thay thế được ở độ quy mô, công phu của nó và thiết tưởng vẫn là một công trình rất cần cho những ai hôm nay đang quan tâm thiết tha với sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước.
Cuốn Vương An Thạch của Đào Trinh Nhất cũng là một cuốn sách lớn trong việc giới thiệu một kỳ tài duy tân chính trị xã hội Trung Hoa xưa mà người Việt Nam thời trước còn ít biết. Ở đầu sách trong mục “Thưa, có mấy lời”, Đào Trinh Nhất đã viết: “Độc giả có lẽ phải kinh ngạc: - Quái! Trung Quốc ở thế kỷ 11 mà nảy ra một nhà nho làm chính trị mới lạ như thế ư? Kinh công Vương An Thạch sinh ra giữa lúc nước nhà bần nhược, cường lân đè nén, suy xét nguyên nhân chỉ tại giáo dục thủ cựu, chính chị thủ cựu khiến nên dân nghèo nước yếu mà ra. Ông bèn lập chí cứu quốc bằng những chính sách duy tân , cả từ chính trị, giáo dục cho đến kinh tế, quân sự. Không phải nghị luận mà thôi, ông được thực hành những đại kế đã định. Tuy chí hướng không đạt, biến pháp không thành là vì bọn nhà nho đồng thời xúm lại phá hoại, nhưng mà tư tưởng và chính sách duy tân của ông có thể khiến cho chúng ta tưởng như ông là người ở thế kỷ 19, 20. Hơn nữa, tưởng như ông là một nhà chính trị bên kia trời Âu Mỹ”.
Riêng về tác phẩm thì nhà xuất bản đã viết: “Đào Quân chịu khó kê cứu tài liệu, viết tóm tắt mà rõ ràng, cốt chọn lựa những sự tích thiết thực, lý thú để độc giả xem thấy vui vẻ”.
Cuốn Vương Dương Minh cũng là thêm một trường hợp đáng giá. Vương Dương Minh (1472-1528) sống đời nhà Minh (Trung Quốc) là một nho sĩ độc đáo, đầy chủ kiến, dám phản biện lại các tiên nho, đặc biệt với Chu Tử- thần tượng của Tống Nho, chủ trương nâng cấp tâm học, xác định lại lý thuyết "trí tri cách vật", chủ trương thuyết "tri lương tri", đặc biệt là cổ động cho thuyết "tri hành hợp nhất". Thực chất tư tưởng của Vương Dương Minh là đặc biệt coi trọng cái tâm của con người, chống lại lối học huấn hỗ, giáo điều, xa rời thực tiễn, đề cao tự do tư tưởng và tinh thần thực dụng. Tư tưởng của Vương Dương Minh được người đời sau đánh giá là một hiện tượng cấp tiến, coi ông là người có vị trí sau Khổng Tử dù cho đương thời lại bị chính người Trung Hoa từ chối. Nhưng sau đó, lại được Nhật Bản đón nhận, được nhiều học giả phương Tây rất mực đề cao. Đã có ý kiến cho rằng tư tưởng của Vương Dương Minh là một trong mấy thành tố ban đầu đưa đến cuộc duy tân Nhật Bản thần kỳ. Tiếc cho Trung Hoa về sau cũng đã nhận ra giá trị của tư tưởng Vương Dương Minh nhưng thời cơ đã mất bởi đã bị phương Tây trên đường phát triển ập đến xâu xé. Đào Trinh Nhất, bằng một lao động khảo cứu uyên bác, không chỉ về riêng Vương Dương Minh mà còn là tư tưởng, tình hình nho học của Trung Hoa nói chung, không chỉ những gì giữa Vương Dương Minh với đất nước của mình mà còn lại giữa Vương Dương Minh với các học giả phương Tây, với Nhật Bản, kể cả Việt Nam ta, cuối cùng đã tạo nên một công trình học thuật đúng là không dễ có nhiều.
Với Đào Trinh Nhất, ở ba công trình trên là nói chuyện duy tân ở nước ngoài, còn với công trình Đông Kinh nghĩa thục là chuyện của chính nước mình. Chúng ta đều đã biết trường Đông Kinh nghĩa thục, rộng ra là phong trào Đông Kinh nghĩa thục là một mốc son chói lọi, là một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa lớn lao trong lịch sử dân tộc ở đầu thế kỷ 20, dù chỉ tồn tại trong vòng 9 tháng thì đã bị kẻ thù dập tắt. Sách vở viết về Đông Kinh nghĩa thục ngày một thêm phong phú, đặc biệt là bộ sách 2 tập dày gần 2000 trang Đông Kinh nghĩa thục và thơ văn Đông Kinh nghĩa thục do Chương Thâu biên soạn trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long vừa qua, đã cho thấy tầm vóc văn hiến vĩ đại của Đông Kinh nghĩa thục là như thế nào? Nhưng thử hỏi: Ai là người đi đầu trong việc làm sống lại Đông Kinh nghĩa thục nếu không phải là Đào Trinh Nhất, với tác phẩm Đông Kinh nghĩa thục (Mai Lĩnh, Hà Nội -1937) đã bị nhà cầm quyền Pháp bấy giờ cấm lưu hành.Với Đào Trinh Nhất, viết sách Đông Kinh nghĩa thục là chuyện vừa để trả mối nợ lòng với đất nước, vừa để trả mối nợ lòng với chính thân phụ kính yêu của mình. Một hiện tượng vừa hiếu với nước, vừa hiếu với cha, đẹp và hiếm là thế.
Về cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và các phong trào, các bậc anh hùng chống Pháp thuộc chủ điểm lớn thứ ba trong tư tưởng học thuật của Đào Trinh Nhất đã thể hiện ở các công trình: Việt Nam Tây thuộc sử (Đỗ Phương Quế, Sài Gòn - 1937), Phan Đình Phùng -Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1884 - 1895) ở Nghệ Tĩnh (Cao Xuân Hữu - 1937), Đời cách mệnh Phan Bội Châu (dịch Ngục trung thư, Mai Lĩnh - 1938), Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 (Quốc dân thư xã - 1946).
Cuốn Đông Kinh nghĩa thục đã nói ở trên nếu nhắc lại ở đây cũng có lý. Từ các công trình công phu này, nổi lên trước hết là một tinh thần dân tộc cao cả, một dũng khí hiếm hoi giữa cái thời buổi mà kẻ thù còn đè đầu cưỡi cổ - thời kỳ mà với dân tộc, với nhân dân, nói như Đoàn Như Khuê là "bể thảm mênh mông sóng lút trời" hay như Chế Lan Viên là "thung lũng đau thương". Thử hỏi trên văn đàn công khai đương thời có ai khác, ngoài Đào Trinh Nhất là người để tâm huyết, công sức vào việc dựng lại Việt Nam Tây thuộc sử tang tóc, đau thương này. Đúng là sau 1954, chúng ta có không ít công trình của các sử gia Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Giàu, Minh Tranh, Đinh Xuân Lâm... nhiều giáo trình đại học viết về lịch sử thuộc Pháp và chống Pháp rất mực phong phú. Nhưng thử hỏi ai là người đi đầu trong công chuyện cần thiết và cấp thiết này nếu không là Đào Trinh Nhất. Không chỉ là người đi đầu mà còn là viết trong nanh vuốt của kẻ thù. Rồi nữa, ai là người đi đầu trong việc làm sống lại cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Phan Đình Phùng với người trợ thủ kiệt xuất Cao Thắng, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên với vai trò lãnh đạo của Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn bằng một sự khảo sát tường tận, một sự ngợi ca tột độ ngoài Đào Trinh Nhất. Chúng ta hẳn còn nhớ năm 1908, đốc học Trần Quý Cáp khi nghe tin nhân dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vùng lên đấu tranh chống thuế thì thốt lên một câu: "Khoái tai! Khoái tai!" mà ngay sau đó đã phải lên đoạn đầu đài. Chúng ta nào đã quên cái gọi là "Văn chương quốc cấm", ai lưu hành , ai phổ biến là dễ chết như chơi. Vậy mà Đào Trinh Nhất đã làm những trước tác như thế. Đành rằng hai tác phẩm Việt Nam Tây thuộc sử và Phan Đình Phùng ... là viết và in năm 1937, đúng vào thời Mặt trận bình dân mà kẻ thù phải nhẹ tay. Dù vậy thì vẫn phải thấy ở Đào Trinh Nhất một sự nhậy bén, biết chớp thời cơ. Do đó khỏi phải lên đoạn đầu đài, chỉ bị kẻ thù cấm lưu hành mà thôi.
*
* *
Rõ ràng là Đào Trinh Nhất đã từ một nhà báo sáng danh trở thành một học giả khả kính. Khả kính ở trình độ học vấn uyên thâm, kiêm cả đông tây kim cổ. Nhưng khả kính trước hết là ở lương tâm, ở tư tưởng thuần khiết chính nghĩa, không dễ có nhiều trong báo giới, văn giới đương thời.
Việc lãng quên ông dù ít hay nhiều là một sự bất công. Nhưng trước hết là một sự thiệt thòi cho đất nước.
Ấn tượng cuối cùng về Đào Trinh Nhất ở người viết bài này là thế. Dẫu biết những gì mình đã biết, đã viết về tiên sinh hôm nay, cũng mới chỉ là bước đầu. Xin được quý vị cao minh, cao kiến chỉ giáo thêm.


([1]) Dựa theo Nguyễn Đắc Lộc: “Thân thế và sự nghiệp văn chương Đào Trinh Nhất” . Văn bản do ông Đào Duy Mẫn cung cấp
1. Thái Đông: khu vực cực đông châu Á.
[2] Nước Nhật Bản từ khi thành lập chỉ có một dòng vua (Thiên Hoàng).
[3] Phù tang: tức Nhật Bản

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BẠN NGUYỄN TỐNG QUẾ (23-8)

Chúc bạn Nguyễn Tống Quế luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thăng tiến!

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Bài thơ

NHỮNG MIỀN QUÊ HƯƠNG

Anh đi qua những miền quê hương
Hoa nở rợp những con đường
Thắm đôi má hồng thiếu nữ
Giọt mồ hôi ngọt dấu cần lao.

Anh đi qua những con sông sóng vỗ rì rào
Những hàng dừa chải mây xạc xào
Những vườn cây đong đưa trĩu quả
Những bến cảng chiều tôm cá đầy ghe.

Anh đi qua ruộng lúa vàng hoe
Những vườn rau xanh mướt cả xuân hè
Cá quẫy đầy ao, tác tao bầy vịt vừa tới lứa
Bò từng đàn nha nhẩn gặm cỏ non…

Anh đã đi qua những con đường quê hương
Đất nẻ khô hoa cỏ héo tàn chẳng kịp tỏa mùi hương
Đời buồn như manh áo nâu đôi lớp vá
Nụ cười thường khô héo bờ môi…

Quê hương giờ kỳ diệu đổi thay
Những công trình như hoa nở giữa bàn tay
Đất hồi sinh, ruộng chua phèn cho trái ngọt
Nắng mưa giờ làm bạn của người dân…

Anh đi giữa lòng bồi hồi, bâng khuâng
Bao xúc cảm trào dâng
Muốn ghi lại thành thơ, thành nhạc
Để ngợi ca sức sống của quê mình.

Anh đi qua những miền quê thanh bình
Những nụ cười tươi như những đóa hoa xinh
Anh bất chợt nghe mình có lỗi
- Chưa góp chút gì cho bức họa quê hương…

Anh đi qua những con đường
Tương lai cần tất cả mọi người chung sức em ơi…

BÀNG THIÊNG CÔN ĐẢO

Ai đã từng đặt chân lên mảnh đất thiêng Côn Đảo
Không khỏi ngỡ ngàng trước sức sống những rặng bàng xanh
Mọc hiên ngang nơi cuối bãi đầu gành
Reo trước gió và vươn mình hướng biển.

Rừng bàng thiêng vang rì rào không ngơi tiếng
Hồn núi sông dân tộc ở đâu đây?
Hai vạn anh linh đọng ở đất này?
(1)
Như sức sống dân tộc Việt ta bất diệt?

Côn Đảo xa xôi từng là “đất giết”
Một trăm mười ba năm “địa ngục trần gian”
“Trường học” của hai mươi vạn lượt tù nhân
Nơi giam hãm những xác thân không bất khuất.

Bàng thiêng đã “học” thêm nghị lực
Sức sống này như đã truyền hết cho nhau
Khát vọng tự do qua tiếng gọi rì rào
Vài chiếc lá lót dạ trong xà lim tăm tối.

Nên cổ thụ, gốc xù xì mà bàng thêm dày lõi
Như tóc người tù thêm bạc mà chí thêm bền
Mỗi người ngã giục người khác đứng lên
Máu dẫu đổ nhưng không lùi bước.

Đảo vẫn xanh, bàng vẫn vươn mình về phía trước
Trời tự do, trời lại thêm xanh
Ở xứ này bốn phía thấy bình minh
Dù đêm tối vẫn sáng lòng son sắt.

Những rặng bàng thiêng trên đất thiêng nhiệm nhặt
Cành lá khô sưởi ấm những đêm dài
Hạt bùi thơm thêm vị ngọt cho đời
Và dáng thẳng vẫn thắm tô những trang lịch sử.

Ai đã đến mà chẳng hề suy nghĩ
Những cây bàng như sức sống Việt Nam…

(1) Trong 113 năm bị biến thành “địa ngục trần gian”, Côn Đảo đã “đón” hơn 200.000 lượt tù nhân, trong đó có hơn 20.000 người đã vĩnh viễn nằm lại hòn đảo này.

Bài thơ

ĐÊM SAU BÃO, ĐỌC THƠ ĐỖ PHỦ

Anh đưa em về thăm quê. Sau bão
Quang cảnh tiêu điều, đổ nát
Mười nhà sập mất phần ba
Hai phần tốc mái, long tường còn lại
Sương cuối năm, mắt mẹ nhạt nhòa…

Tang thương quê mình. Sau bão
Nhặt nhạnh những gì còn sót lại
(Thêm việc làm cho những chị mua ve chai)
Chặt vội hàng cây quặt quại
Đau như tự chặt cánh tay mình.

Anh đưa em đi thăm quê. Sau bão
Nụ cười héo hon, nét mặt hao gầy
Ruộng lúa xác xơ, bàn tay thêm những vết chai
Lũy tre đầu làng gãy cành lá khô như bị đốt
Những em thơ mất ngủ đêm ngày.

Bàn tay nắm lấy bàn tay. Sau bão
Rất cần sự chia sẻ động viên
Anh gửi cùng em những nụ cười hiền
Góp bàn tay giúp dựng cái lều, cái chái
Thêm gói mì, ký gạo cũng vui.

Đêm ta ngủ quê nhà. Sau bão
Nghe tiếng gió gào nức nở những cành xoan
Tiếng dế giun non nỉ thêm buồn
Anh đọc em nghe thơ Đỗ Phủ
Bài Gió thu tốc mái nhà.

Có một nhà thơ trở trăn. Sau bão
Đâu chỉ buồn chuyện mất mấy tấm tranh
Cũng không buồn vì con đạp rách chăn
Hay mất ngủ đêm dài sao lạnh lẽo
Nhà thơ đang ước ao cho nhân thế.

Một ngôi nhà to cho người trú chân. Sau bão
Vạn gian nhà vững chãi với thiên nhiên
Một ước mơ tưởng như chuyện thần tiên
Nhà thơ mơ mộng và không cam lòng nhắm mắt
Lạnh niềm riêng đâu bằng lạnh của nhân gian.

Anh kể em nghe thêm những chuyện buồn. Sau bão
Đỗ Phủ chết trên chiếc thuyền rách nát
Vạn gian nhà vẫn chưa có cột kèo
Khắp nhân gian còn lắm những cảnh nghèo
Tay càng trắng sau một cơn bão dữ.

Gửi em thêm những ước mơ. Sau bão
Nhiều bàn tay góp thêm sức quê mình
Góp mồ hôi, nhiều gian nhà thêm nghĩa thêm tình
Nhiều chái bếp thơm mùi cơm gạo mới
Nhiều lời động viên, chia sẻ buồn đau.

Anh đưa em về thăm quê. Sau bão
Dáng đứng quê hương gan góc trước bão đời
Những con người vẫn nở nụ cười tươi
Đời vẫn đẹp, mắt trẻ thơ trong sáng.
Sau bão, bầu trời thêm xán lạn…

Tạp bút

MỘT THUỞ KHOAI MÌ…

Hôm rồi, đi ăn buffet, tình cờ tôi được ăn lại món khoai mì hấp với nước cốt dừa. Cái món khoai mì vốn từng ăn thường xuyên, rất gần gũi, quen thuộc vậy mà lần này ăn ngon lạ. Bỗng nhiên, đó không còn là một món ăn đơn thuần nữa mà như là một phần của ký ức.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, những năm đói kém, cơm độn khoai mì diễn ra hàng ngày. Tôi còn bé được ưu tiên gợt cơm ăn riêng, còn người lớn thì gần như chỉ ăn khoai mì. Thế nhưng tôi cũng “ăn thêm” vài khúc khoai mì thơm bùi, nhai tới nhai lui thấy ngòn ngọt; lắm lúc mắc nghẹn phải uống nước cho trôi. Để đổi khẩu vị, nội tôi lâu lâu trộn thêm với dừa; loại nhiều bột thì quết thành viên to, trộn lẫn với dừa nạo và một chút đường; loại dẻo thì rưới nước cốt dừa pha chút muối. Có thêm dừa, khoai mì thêm ngọt, thêm béo, thêm bùi, ăn trừ cơm vẫn không thấy chán.
Những bữa đi học, thi thoảng được cho vài đồng bạc, tôi vẫn hay chọn mua mấy khúc khoai mì gói trong lá chuối, vừa đi đường vừa nhấm nháp. Đôi khi, không thích thì mua bánh tầm, một loại bánh cũng được làm từ khoai mì mài nhuyễn rồi hấp chín, xắt thành sợi dài, hay nhuộm xanh đỏ, ăn với muối mè, dừa nạo, vốn là món ăn khoái khẩu của đám trẻ nhỏ. Tôi vẫn nhớ cái mùi thơm cùa dừa lẫn với mùi đặc trưng của lá chuối thành một thứ mùi rất đặc biệt, dân dã, bình dị mà đậm đà.
Không chỉ vậy, khoai mì được đưa vào đám tiệc ở nhà quê với những món ăn rất ngon. Đó là món cà ri với những viên khoai mì nhỏ vắt lại từ bột củ khoai mì mài ra. Nấu chín, những viên khoai mì (ở thành thị, người ta thay bằng khoai lang hoặc cà rốt) vàng ươm, thơm lừng, ăn vừa dẻo vừa bùi. Hay món bánh khoai mì nướng, cũng được làm từ bột khoai mì mài, ăn với nước cốt dừa, rất thơm ngon!
Sau này, gia đình tôi chuyển đến quê mới. Lúc này không còn khó khăn như trước nên không ai phải ăn độn khoai mì nữa. Nhà tôi cũng trồng nhiều khoai mì, vốn để làm thức ăn cho heo. Nơi này đất tốt, có những bụi khoai mì nặng hàng chục ký. Lâu lâu, đám bạn học ở thị trấn rủ nhau vào nhà tôi chơi, tôi chọn những bụi khoai mì còn non, củ cỡ cườm tay, đào lên làm món luộc hoặc nướng. Bữa nào có thì giờ, tôi mài và làm món bánh khoai mì hấp hoặc chiên. Riêng món bánh cay vốn là một “đặc sản” của nhà tôi, bởi không chỉ với khoai mì, ớt hiểm có sẵn trong vườn nhà mà cách làm cũng ít giống với người khác. Bột khoai mì sau khi mài nhuyễn, trộn với chút đường, muối và ớt, vắt thành vắt nhỏ, chiên vàng giòn, vừa ăn vừa hít hà và… nhớ đời! Mấy đứa bạn dân chợ rất thích thú với những món ăn này, có đứa còn gọi tôi là “bộ đội”, bởi ăn khoai mì như… bộ đội. Từ đó, tôi “chết danh” là “bộ đội”, như là một tiếng gọi thân mật của những đứa bạn thân.
Lần hồi, tôi rời quê lên thành phố học. Món khoai mì cũng không còn quen thuộc nữa. Mỗi lúc gặp lại món này, tôi lại nhớ đến bà nội, đến một thuở khó khăn, dĩ nhiên không quên thời hoa niên hồn nhiên đẹp đẽ. Càng có tuổi, tôi lại thấy món khoai mì trở nên một phần ký ức của mình, đầy kỷ niệm, xen lẫn cả vui buồn khó tả mà cứ ray rứt khôn nguôi.

CHÚC MỪNG BẠN PHẠM THỊ HOA

Bạn Phạm Thị Hoa (hiện đang sống ở Vũng Tàu) đã sinh một bé trai nặng 3,2kg vào ngày 22-7-2011 tại bệnh viện Từ Dũ. Vì biết muộn nên mãi hôm nay mới lên blog được. Mong các bạn thông cảm.

Xin chúc mừng (muộn) hai bạn Hoa - Hiến (vậy là các bạn có đủ nếp lẫn tẻ nhé!).

Chúc gia đình Hoa luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!