VẪN CÒN ĐÓ MỘT ÔNG GIÁO GIÀ…
Nhiều thế hệ học trò trường THPT Tân Phú (huyện Định Quán – Đồng Nai) hẳn không thể nào quên được hình ảnh một thầy giáo dạy môn lịch sử, ăn mặc giản dị, đi xe đạp cọc cạch, lên lớp ít cười, lại rất nghiêm khắc. Đừng hòng đứa nào trò chuyện riêng. Không thuộc bài cứ 0 điểm. Nhưng tôi ham học sử, có lần nhận được điểm 10 của thầy... Đó là thầy Nguyễn Tiến Minh, một trong số ít những nhà giáo gắn bó xuyên suốt trong hơn 20 năm đầu thành lập trường.
Lòng tôi luôn có sự kính trọng đặc biệt đối với thầy. Học thầy 4 năm, tôi thấy thầy không chú tâm bắt học trò phải thuộc các sự kiện, các nhân vật mà cơ bản là phải học từ sự kiện, từ nhân vật đó. Thầy hay ra kiểm tra ở dạng phân tích sự kiện. Thầy cũng có một cách kiểm tra rất "độc", nhằm hạn chế việc quay cóp. Đó là, chỉ đọc từng câu hỏi một, học trò lo làm bài, không dám quay ngang dọc, sợ không chép kịp câu hỏi tiếp... Bài viết làm sai, thầy hay phê: "Quay lộn trang"!
Quê ở Hương Sơn – Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp phổ thông, thầy gia nhập thanh niên xung phong, rồi đi B. Sau giải phóng, thầy đi học sư phạm. Bằng sự run rủi, thầy đã đến trường THPT Tân Phú. Ngôi trường này trong nhiều năm đầu là những dãy nhà tranh nứa. Học trò vừa đi học vừa cùng các thầy đi rừng cưa gỗ, chặt nứa về làm lớp học. Là con nhà nông, từng đi rừng, làm mộc, thầy Minh luôn nhiệt tình, xốc vác. Vào ngày nghỉ, thầy vào các khu rẫy để làm thuê, khi thì làm cỏ, trỉa đậu, bẻ bắp... Có lần, thầy vào làm công cho đúng gia đình của một học sinh trong lớp của mình!
Sau khi nghỉ hưu, thầy lại tích cực đi làm khuyến học. Nhiều năm qua, bằng nguồn quỹ khuyến học, hàng trăm học sinh đã được tiếp sức đến trường.
Tôi là một trong những học trò gần gũi của thầy. Tôi nhận ra ở thầy một cốt cách rất đặc biệt và có sức hút rất lớn. Đó lòng bao dung, nhân hậu, luôn hết lòng vì người khác, nhất là hết mực quan tâm đến những học trò nghèo chăm học. Từ ngày tôi học đại học, rồi làm việc ở xa, mỗi năm chỉ ghé thăm thầy được vài lần, nhưng có lẽ từ lòng yêu đứa học trò nghèo ham học, thầy xem tôi như con cháu trong nhà. Khác hẳn với sự nghiêm nghị trên lớp, ở nhà thầy rất thân tình và cởi mở. Có những việc thầy trò trao đổi thẳng thắn và đôi lần thầy không ngại nói: "Cái này thầy chưa biết. Nếu em có tài liệu thì cho thầy mượn xem"…
Nghe tôi nói công việc của mình, thầy thường dẫn những chuyện này khác trong vốn kiến thức và kinh nghiệm sống của mình để chia sẻ, dặn dò. Có những điều thầy không ngại lời phản biện, khác hẳn với một ông giáo chỉ nói theo sách vở ngày nào...
Biết tôi có viết báo, một lần ghé thăm, thầy phấn khởi mang mấy bài viết về các gương hiếu học cho tôi xem và nói: "Ngày xưa thầy dạy mày, nay thầy tập tành viết báo thì mày dạy lại thầy nhé!" Vậy là thầy đang học viết báo và mày mò đánh vi tính. Thì ra, dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn còn cống hiến và học tập.
Với tôi, thầy không chỉ làm thầy trên lớp... Và mỗi lần nghĩ về thời đi học, nghĩ đến trường học cũ, tôi lại nhớ đến thầy với lòng yêu kính vô bờ!
Nguyễn Minh Hải
Nhiều thế hệ học trò trường THPT Tân Phú (huyện Định Quán – Đồng Nai) hẳn không thể nào quên được hình ảnh một thầy giáo dạy môn lịch sử, ăn mặc giản dị, đi xe đạp cọc cạch, lên lớp ít cười, lại rất nghiêm khắc. Đừng hòng đứa nào trò chuyện riêng. Không thuộc bài cứ 0 điểm. Nhưng tôi ham học sử, có lần nhận được điểm 10 của thầy... Đó là thầy Nguyễn Tiến Minh, một trong số ít những nhà giáo gắn bó xuyên suốt trong hơn 20 năm đầu thành lập trường.
Lòng tôi luôn có sự kính trọng đặc biệt đối với thầy. Học thầy 4 năm, tôi thấy thầy không chú tâm bắt học trò phải thuộc các sự kiện, các nhân vật mà cơ bản là phải học từ sự kiện, từ nhân vật đó. Thầy hay ra kiểm tra ở dạng phân tích sự kiện. Thầy cũng có một cách kiểm tra rất "độc", nhằm hạn chế việc quay cóp. Đó là, chỉ đọc từng câu hỏi một, học trò lo làm bài, không dám quay ngang dọc, sợ không chép kịp câu hỏi tiếp... Bài viết làm sai, thầy hay phê: "Quay lộn trang"!
Quê ở Hương Sơn – Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp phổ thông, thầy gia nhập thanh niên xung phong, rồi đi B. Sau giải phóng, thầy đi học sư phạm. Bằng sự run rủi, thầy đã đến trường THPT Tân Phú. Ngôi trường này trong nhiều năm đầu là những dãy nhà tranh nứa. Học trò vừa đi học vừa cùng các thầy đi rừng cưa gỗ, chặt nứa về làm lớp học. Là con nhà nông, từng đi rừng, làm mộc, thầy Minh luôn nhiệt tình, xốc vác. Vào ngày nghỉ, thầy vào các khu rẫy để làm thuê, khi thì làm cỏ, trỉa đậu, bẻ bắp... Có lần, thầy vào làm công cho đúng gia đình của một học sinh trong lớp của mình!
Sau khi nghỉ hưu, thầy lại tích cực đi làm khuyến học. Nhiều năm qua, bằng nguồn quỹ khuyến học, hàng trăm học sinh đã được tiếp sức đến trường.
Tôi là một trong những học trò gần gũi của thầy. Tôi nhận ra ở thầy một cốt cách rất đặc biệt và có sức hút rất lớn. Đó lòng bao dung, nhân hậu, luôn hết lòng vì người khác, nhất là hết mực quan tâm đến những học trò nghèo chăm học. Từ ngày tôi học đại học, rồi làm việc ở xa, mỗi năm chỉ ghé thăm thầy được vài lần, nhưng có lẽ từ lòng yêu đứa học trò nghèo ham học, thầy xem tôi như con cháu trong nhà. Khác hẳn với sự nghiêm nghị trên lớp, ở nhà thầy rất thân tình và cởi mở. Có những việc thầy trò trao đổi thẳng thắn và đôi lần thầy không ngại nói: "Cái này thầy chưa biết. Nếu em có tài liệu thì cho thầy mượn xem"…
Nghe tôi nói công việc của mình, thầy thường dẫn những chuyện này khác trong vốn kiến thức và kinh nghiệm sống của mình để chia sẻ, dặn dò. Có những điều thầy không ngại lời phản biện, khác hẳn với một ông giáo chỉ nói theo sách vở ngày nào...
Biết tôi có viết báo, một lần ghé thăm, thầy phấn khởi mang mấy bài viết về các gương hiếu học cho tôi xem và nói: "Ngày xưa thầy dạy mày, nay thầy tập tành viết báo thì mày dạy lại thầy nhé!" Vậy là thầy đang học viết báo và mày mò đánh vi tính. Thì ra, dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn còn cống hiến và học tập.
Với tôi, thầy không chỉ làm thầy trên lớp... Và mỗi lần nghĩ về thời đi học, nghĩ đến trường học cũ, tôi lại nhớ đến thầy với lòng yêu kính vô bờ!
Nguyễn Minh Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét