NHỮNG BẠN THÂN MỘT THUỞ…
Cuộc sống tất bật đôi lúc khiến ta chỉ nghĩ đến những điều hiện tại trước mắt mà không nhớ nhiều đến những điều xưa cũ. Tình cờ đọc trên blog của một người bạn câu blast: Nhớ bạn Thảo yêu dấu quá, tôi cũng nhớ lại những người bạn của mình thời đi học.
Tôi nhớ bạn Đ. Nhà cách trường đến hơn 15 cây số, sáng nào anh cũng dậy rất sớm, đạp xe đến ngang nhà tôi, mới được nửa đường, dừng lại “lấy hơi” một chút và gọi tôi đi cùng. Nhà anh từng khá giả, có xe máy cày (là một tài sản lớn thời đó) nhưng vì ba anh gây tai nạn, phải bán cả nhà cửa, xe cộ để bồi thường, thành ra trở nên nghèo khó. Học cấp III mà anh chỉ có độc một bộ đồ lành, lắm khi trời mưa dầm chưa kịp khô, anh phải mặc ướt đi học. Những ngày cuối năm miền Đông lạnh giá, sương giăng mờ mịt, tôi cũng mặc phong phanh ra khỏi nhà mà rén run, còn anh thì đã đẫm mồ hôi. Đến cuối năm học, áo anh đã sờn sắp rách, còn quần thì tét cả ống. Vậy mà anh học rất chăm, không bao giờ bỏ học…
Tôi nhớ bạn S. Cha mẹ anh ở Hà Tĩnh, anh vào Đồng Nai sống với ông bà nội. Anh rất siêng học và rất giỏi các môn tự nhiên. Không có tiền mua sách, anh hay mượn của bạn bè, nhiều khi để lại “dấu tích” cháy sém do anh chui vào trong mùng kê sách sát chiếc đèn dầu hột vịt để đọc, hầu tránh bị ông nội bắt đi ngủ sớm. Năm lớp 11, anh bị bệnh gai cột sống, dáng người cao liu khiu bỗng khòm lưng xuống. Học gần hết năm thứ tư, anh không qua khỏi…, để lại bao nhiêu tiếc thương cho bạn bè và gia đình.
Tôi nhớ bạn Tr. hay cãi nhau với bạn. Nhưng đó là một người bạn tốt, sẵn lòng làm việc nghĩa nhưng cũng rất ương bướng, thường cố bảo vệ quan điểm của mình. Nhà đông anh em, anh phải dậy sớm phụ bố mẹ nấu cám cho heo, chở hèm đi bán hay bỏ mối rượu trước khi đi học. Va chạm nhiều, anh tỏ ra dạn dĩ, từng trải nên nhiều năm được bầu làm lớp trưởng. Có lẽ vì vậy mà anh có nhiều “mánh” để vượt qua các lớp khác trong các cuộc thi đua toàn trường…
Tôi nhớ bạn Th. rất tốt với bạn bè. Nhà anh ở chợ, khá giả nên không ngại tặng bạn sách vở, cho mượn tiền để mua tập bút. Có dạo, lớp tôi thi đua hàng tháng, ai đứng ba hạng đầu được tặng một món tiền, lần nào anh được thưởng cũng đều tặng hết cho tôi. Anh hay lên nhà tôi chơi để chia sẻ kinh nghiệm học tập và giao lưu vài ván cờ tướng. Tôi đãi anh ăn khoai mì luộc, anh gọi tôi là “bộ đội” và “chết danh” cái tên đó suốt thời đi học.
Tôi nhớ bạn Q. hiền lành hay bị bạn ăn hiếp. Lắm lần vì bênh Q. mà tôi bị mấy đứa bạn khác nghỉ chơi vài ngày. Bố là thương binh, mẹ đau yếu luôn, Q. vừa đi học vừa là lao động chính trong gia đình. Ngoài giờ học, Q. đi chặt mía, giữ trâu, nhổ cỏ lúa, tát cá… Có lần vào nhà Q. chơi, Q. cho tôi ăn món cá sặt kho quẹt mặn đến nỗi tôi không thể nào quên… Thật không ngờ, sau này Q. trở thành em rể của tôi, tình bạn lại càng thân thiết.
Tôi cũng không thể quên bạn D. Đây là bạn thân nhất của tôi vì cả hai rất hiểu tính nhau, thường xuyên giúp nhau trong học tập và thay phiên nhau chia hai vị trí đứng đầu lớp. D. hay nghịch nhưng rất tốt với bạn bè, sẵn lòng giúp bạn mà không ngần ngại điều gì. Nhà anh bán phở, nên anh dậy rất sớm để phụ bố mẹ nhóm bếp, lặt rau, xếp ghế… Vì vậy, anh dễ hòa nhập với những bạn nhà nghèo…
Mới đó mà đã gần hai mươi năm. Học đại học, mỗi đứa chọn một trường. Chúng tôi vẫn thư từ nhau thường xuyên. Những dịp sinh nhật vẫn đạp xe hàng chục cây số đến vui với nhau; ngày lễ tết vẫn họp lớp để cùng nhau hàn huyên. Chúng tôi đã có những tình bạn thật đẹp và những kỷ niệm thật đáng nhớ.
Nhưng mọi thứ dần khác đi. Bạn bè ngày xưa ngày càng ít gặp nhau. Dù cùng quê, nhưng ngày tết, mỗi đứa lại có quê vợ quê chồng khác nhau thành ra cũng hiếm gặp. Sinh nhật, bất quá chỉ gửi tin nhắn chúc mừng, không còn cảnh tụ với nhau xì xụp với nồi lẩu rau nhiều hơn thịt cá. Cũng chẳng còn gửi thiệp hay thư từ gì, lâu lâu gõ vội vài dòng trên mail hoặc tin chat để biết rằng cũng còn nhớ tới nhau. Thi thoảng gặp nhau, không nói chuyện công việc thì cũng “khoe con”, chứ chẳng còn hàn huyên tâm sự như ngày nào. Vậy mà, có những đứa cả chục năm chưa gặp lại…
Một thời hoa niên đẹp đẽ đã lùi xa. Chúng tôi đang bước vào tuổi trung niên, giờ có đứa tóc đã điểm bạc. Cuộc sống bận rộn nên chẳng còn dịp để sẻ chia với nhau. Có khi đọc lại những bức thư cũ hay những cuốn lưu bút năm nào, tôi nhắn tin ôn chuyện cũ với vài đứa bạn, có thằng bảo: Mày hâm à?... Tôi thấy mình vẫn còn nhiều xúc cảm lãng mạn và hay mơ mộng như ngày nào…
Cuộc sống tất bật đôi lúc khiến ta chỉ nghĩ đến những điều hiện tại trước mắt mà không nhớ nhiều đến những điều xưa cũ. Tình cờ đọc trên blog của một người bạn câu blast: Nhớ bạn Thảo yêu dấu quá, tôi cũng nhớ lại những người bạn của mình thời đi học.
Tôi nhớ bạn Đ. Nhà cách trường đến hơn 15 cây số, sáng nào anh cũng dậy rất sớm, đạp xe đến ngang nhà tôi, mới được nửa đường, dừng lại “lấy hơi” một chút và gọi tôi đi cùng. Nhà anh từng khá giả, có xe máy cày (là một tài sản lớn thời đó) nhưng vì ba anh gây tai nạn, phải bán cả nhà cửa, xe cộ để bồi thường, thành ra trở nên nghèo khó. Học cấp III mà anh chỉ có độc một bộ đồ lành, lắm khi trời mưa dầm chưa kịp khô, anh phải mặc ướt đi học. Những ngày cuối năm miền Đông lạnh giá, sương giăng mờ mịt, tôi cũng mặc phong phanh ra khỏi nhà mà rén run, còn anh thì đã đẫm mồ hôi. Đến cuối năm học, áo anh đã sờn sắp rách, còn quần thì tét cả ống. Vậy mà anh học rất chăm, không bao giờ bỏ học…
Tôi nhớ bạn S. Cha mẹ anh ở Hà Tĩnh, anh vào Đồng Nai sống với ông bà nội. Anh rất siêng học và rất giỏi các môn tự nhiên. Không có tiền mua sách, anh hay mượn của bạn bè, nhiều khi để lại “dấu tích” cháy sém do anh chui vào trong mùng kê sách sát chiếc đèn dầu hột vịt để đọc, hầu tránh bị ông nội bắt đi ngủ sớm. Năm lớp 11, anh bị bệnh gai cột sống, dáng người cao liu khiu bỗng khòm lưng xuống. Học gần hết năm thứ tư, anh không qua khỏi…, để lại bao nhiêu tiếc thương cho bạn bè và gia đình.
Tôi nhớ bạn Tr. hay cãi nhau với bạn. Nhưng đó là một người bạn tốt, sẵn lòng làm việc nghĩa nhưng cũng rất ương bướng, thường cố bảo vệ quan điểm của mình. Nhà đông anh em, anh phải dậy sớm phụ bố mẹ nấu cám cho heo, chở hèm đi bán hay bỏ mối rượu trước khi đi học. Va chạm nhiều, anh tỏ ra dạn dĩ, từng trải nên nhiều năm được bầu làm lớp trưởng. Có lẽ vì vậy mà anh có nhiều “mánh” để vượt qua các lớp khác trong các cuộc thi đua toàn trường…
Tôi nhớ bạn Th. rất tốt với bạn bè. Nhà anh ở chợ, khá giả nên không ngại tặng bạn sách vở, cho mượn tiền để mua tập bút. Có dạo, lớp tôi thi đua hàng tháng, ai đứng ba hạng đầu được tặng một món tiền, lần nào anh được thưởng cũng đều tặng hết cho tôi. Anh hay lên nhà tôi chơi để chia sẻ kinh nghiệm học tập và giao lưu vài ván cờ tướng. Tôi đãi anh ăn khoai mì luộc, anh gọi tôi là “bộ đội” và “chết danh” cái tên đó suốt thời đi học.
Tôi nhớ bạn Q. hiền lành hay bị bạn ăn hiếp. Lắm lần vì bênh Q. mà tôi bị mấy đứa bạn khác nghỉ chơi vài ngày. Bố là thương binh, mẹ đau yếu luôn, Q. vừa đi học vừa là lao động chính trong gia đình. Ngoài giờ học, Q. đi chặt mía, giữ trâu, nhổ cỏ lúa, tát cá… Có lần vào nhà Q. chơi, Q. cho tôi ăn món cá sặt kho quẹt mặn đến nỗi tôi không thể nào quên… Thật không ngờ, sau này Q. trở thành em rể của tôi, tình bạn lại càng thân thiết.
Tôi cũng không thể quên bạn D. Đây là bạn thân nhất của tôi vì cả hai rất hiểu tính nhau, thường xuyên giúp nhau trong học tập và thay phiên nhau chia hai vị trí đứng đầu lớp. D. hay nghịch nhưng rất tốt với bạn bè, sẵn lòng giúp bạn mà không ngần ngại điều gì. Nhà anh bán phở, nên anh dậy rất sớm để phụ bố mẹ nhóm bếp, lặt rau, xếp ghế… Vì vậy, anh dễ hòa nhập với những bạn nhà nghèo…
Mới đó mà đã gần hai mươi năm. Học đại học, mỗi đứa chọn một trường. Chúng tôi vẫn thư từ nhau thường xuyên. Những dịp sinh nhật vẫn đạp xe hàng chục cây số đến vui với nhau; ngày lễ tết vẫn họp lớp để cùng nhau hàn huyên. Chúng tôi đã có những tình bạn thật đẹp và những kỷ niệm thật đáng nhớ.
Nhưng mọi thứ dần khác đi. Bạn bè ngày xưa ngày càng ít gặp nhau. Dù cùng quê, nhưng ngày tết, mỗi đứa lại có quê vợ quê chồng khác nhau thành ra cũng hiếm gặp. Sinh nhật, bất quá chỉ gửi tin nhắn chúc mừng, không còn cảnh tụ với nhau xì xụp với nồi lẩu rau nhiều hơn thịt cá. Cũng chẳng còn gửi thiệp hay thư từ gì, lâu lâu gõ vội vài dòng trên mail hoặc tin chat để biết rằng cũng còn nhớ tới nhau. Thi thoảng gặp nhau, không nói chuyện công việc thì cũng “khoe con”, chứ chẳng còn hàn huyên tâm sự như ngày nào. Vậy mà, có những đứa cả chục năm chưa gặp lại…
Một thời hoa niên đẹp đẽ đã lùi xa. Chúng tôi đang bước vào tuổi trung niên, giờ có đứa tóc đã điểm bạc. Cuộc sống bận rộn nên chẳng còn dịp để sẻ chia với nhau. Có khi đọc lại những bức thư cũ hay những cuốn lưu bút năm nào, tôi nhắn tin ôn chuyện cũ với vài đứa bạn, có thằng bảo: Mày hâm à?... Tôi thấy mình vẫn còn nhiều xúc cảm lãng mạn và hay mơ mộng như ngày nào…
Bài viết "tốt" !
Trả lờiXóa:D