Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Tạp bút

MÙA EURO

Lại đến mùa EURO. Đây là mùa thứ 5 tôi xem EURO ở Sài Gòn. Lần đầu tiên xem EURO ở Sài thành là EURO 1996, khi đã khăn gói về thành phố để chuẩn bị thi đại học. Đó là trận cuối cùng của EURO 1996 diễn ra tại Anh, khi Đức thắng nhọc nhằn CH Séc 2-1 với cú đúp của Oliver Bierhoff. Năm 2000, ở nhà trọ chưa có tivi, tôi hay ra quán cá phê xem, vừa lọ mọ ghi chép để viết bài - bấy giờ vẫn còn làm báo Thể thao... Từ EURO 2004, tôi thường xem EURO ở nhà một mình. Thỉnh thoảng mới có dịp về nhà xem bóng đá với Ba...
Không chỉ đến mùa EURO, cứ đến các giải bóng đá lớn, nhất là World Cup, tôi luôn nhớ đến những người bạn cùng sở thích. Những mùa trước, nửa đêm xem bóng đá, tôi và Hoài Phương hay nhắn tin trao đổi, bình luận với nhau; còn với Quốc Thắng thì hay "cá độ ảo"... Nhớ năm nào tôi viết truyện ngắn Ngỗng, kể về tình bạn giữa "Baggio" và "Mathaues", những nhân vật bóng đá lừng lẫy của châu Âu. Baggio đó chính là hình ảnh của tôi, còn Mathaues là hình ảnh của Hoài Phương. Truyện ngắn này đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi báo tường của trường Tân Phú năm 1995...
Bây giờ một mình đang xem trận tứ kết Anh và Ý, tôi lại nhớ đến các bạn cũ, nhớ lại 5 mùa EURO với những cung bậc cảm xúc khác nhau...

Tản mạn

THĂM THẦY MINH

Hôm qua (23-6), tôi ghé thăm thầy Minh. Thầy đang ở ngoài vườn. Tôi hỏi thầy có khỏe không, thầy bảo vẫn khỏe, trừ chỗ cột sống vẫn còn đau do bị té. Thầy kể, hôm nọ đứng với đốn nhánh cây, không ngờ trượt chân, té cong cột sống, phải đi nắn lại. Đau nhiều ngày rồi, dù đã uống và chích thuốc. Mãi đến 3 ngày trước, nhờ có người bày, thầy đắp một loại cỏ nên mới đỡ đau... Thầy bảo, năm nay thầy mắc 3 vụ té rồi. Một vụ hồi Tết, bị xe chở heo quẹt, một vụ té khác không sao và vụ này. Tôi nói, năm nay là năm tuổi của thầy mà. Thầy cười: Năm nào mà không cẩn thận thì cũng bị tai nạn thôi!
Hơn tháng nay, bé Ngân từ Bangladesh về nghỉ hè. Em Ngân đang học quản trị kinh doanh ở một trường dành riêng cho phụ nữ và trẻ em gái do Liên hiệp quốc tổ chức, đóng ở Dakka, nhờ học bổng do TS. Phạm Thị Ly, học trò cũ của thầy, vận động. Em Ngân sẽ ở nhà 2 tháng nữa trước khi trở lại trường.
Ở nhà, chỉ có thầy và cô. Em Lâm đang làm việc ở TP.HCM cũng không thường về. Thầy vẫn làm công tác khuyến học. Mỗi lần tôi về, thầy hay nhờ tôi tuyên truyền giúp cho Hội hay nêu gương học sinh điển hình nào đó... Vậy chứ không phải lần nào tôi cũng làm tốt việc đó.
Nhìn thầy tóc bạc phơ mà thương thầy quá! Vẫn chưa thể nghỉ ngơi như những người ở tuổi xưa nay hiếm đó. Không chỉ vì con cái còn chưa ổn định mà còn nặng lòng với học trò nghèo.
Mỗi năm gần chục lần ghé thăm thầy, tôi vẫn mong được nhìn thấy nụ cười của thầy. Để tiếp thêm sức mạnh, để thấy yêu đời hơn, để tin vào điều tốt đẹp của cuộc sống hơn...
Cầu chúc thầy và cô luôn khỏe mạnh, trường thọ!

Tạp bút

BA MẸ SĨ HÙNG...

Mỗi lần về Định Quán, tôi hay ghé tiệm tạp hóa nhà Sĩ Hùng để mua đồ. Tôi vẫn thấy ba mẹ Sĩ Hùng hay ngồi thu tiền, còn việc lấy hàng, tính toán đã có Sĩ Dũng, các chị và các nhân viên làm. Dù có thể không cần bước vào trong, tôi vẫn luôn tiến đến gần và nói "chào bác" một tiếng. Có khi chỉ là câu chào qua lại, có khi hỏi han thêm vài câu, cũng có lúc hỏi thăm được một chút về Sĩ Hùng hay về gia đình tôi. Hai bác tóc đã bạc nhiều. Gần 70 rồi còn gì!
Thời gian cứ vùn vụt trôi. Nhìn ba mẹ Sĩ Hùng mà biết rằng ba mẹ mình cũng đã già. Nhớ thi thoảng ghé ăn sáng ở quán nhà Đăng Duy (trên km 116), nhìn hai bác có tuổi (dù ba mẹ Duy kém ba mẹ Sĩ Hùng hơn chục tuổi) mà vẫn còn vất vả, càng thương hơn ba mẹ (hai bên) nhà tôi còn làm nông khuya sớm. Thì ra, mình cũng đang già.
Chỉ có me của Thúy Vy là trông vẫn còn trẻ, như thế thời gian đã "bỏ quên" bác ấy vậy!
Thì cũng đã có người đi xa mãi. Ba của Tuyết Hằng, mẹ của Tống Quế, ba của Hoài Phương... Tự nhiên thấy ngùi ngùi...
Thì lại nhớ các bạn! Nhớ một thời hoa niên và nghĩ đến một thời già nua của mình. Nghĩ để mà không ngừng phấn đấu!

Tản mạn

TRƯỜNG CŨ...

Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ...
Ơ hay, trường cũ của mình ở đâu? Bạn nào biết chỉ với!
Trường cũ THPT Tân Phú ngày xưa nằm ở chỗ của trường THCS Lê Thánh Tông bây giờ. Những năm sau này, dù đã được đổi tên nhưng cái cổng cũ, những hàng cây, những dãy phòng học cũ vẫn còn đó. Bên ngoài nhìn vào, ta vẫn nhớ đâu là phòng đa năng, đâu là phòng lớp 10A2, 11A2, 12A2, chỗ nào là thư viện, phòng ban giám hiệu hay cửa hàng bút sách của cô Thu... Bạn nào từng học cấp II ở đây sẽ còn nhớ cả dãy nhà gỗ của khối 9 mà phòng ngoài cùng phía cổng từng là phòng thí nghiệm, có lúc thầy giáo tiếng Anh đã quá cố Nguyễn Đức Ánh từng ở. Và bạn nào hay đi học sớm chắc vẫn còn nhớ hay nghe tiếng guitar của thầy từ căn phòng này... Bên kia là căn tin mà một quãng thời gian dài, thầy Nguyễn Hiếu và vợ từng bán, phía trước còn có cây xoài...
Bây giờ cảnh cũ còn đâu, người xưa cũng vắng... Thầy Đỗ Văn Ban, thầy Nguyễn Tiến Minh... đã nghỉ hưu; nhiều thầy cô khác đã chuyển công tác; thầy Nguyễn Hiếu sau bao nhọc nhằn đã tìm bến đỗ ở trường THPT Thống Nhất B.
Nơi từng là trường của chúng ta giờ đã là trường THCS Lê Thánh Tông hoàn toàn mới. Thế hệ các anh chị của mình sẽ chẳng có dấu tích để mà nhắc với các em về ngôi trường tranh tre nứa lá...
Thôi thì vẫn còn trường THPT Tân Phú đó, nằm ở thị trấn. Ngôi trường này được khánh thành vào năm 2000. Khi THPT Tân Phú đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thì thành tích là cả quá trình 25 năm vượt lên bao gian lao, bao vất vả của ngôi trường cũ. Bởi vậy trong buổi nói chuyện với học sinh lớp 12 về chủ đề hướng nghiệp (ngày 19-2-2012), tôi ngậm ngùi bảo: trường Tân Phú của thế hệ anh bây giờ không biết ở đâu...
Thật buồn. Vậy mà phải đi qua lại nhìn ngôi trường Lê Thánh Tông mới, với tường sơn mới, với trảng cỏ đậu phộng vàng rực, nơi gắn bó biết bao kỷ niệm...
Muốn viết điều này đã bao lần. Nay mới có dịp đặt bút.
Còn các bạn thì sao?

CHÚC MỪNG SINH NHẬT THÚY VY (24-6)

Hôm nay là sinh nhật của bạn Lê Thị Thúy Vy. Bạn nào có lòng xin mời gửi lời chúc đến Vy nhé!
Và cho tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Vy...
Bây giờ đến dịp sinh nhật mà còn có bạn bè nhớ đến, cũng vui lắm chứ!
Phải vậy không Vy?