Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Thời đi học

NHỚ NHỮNG MÙA MÍA NGỌT

Ngày còn đi học, lũ chúng tôi cũng không hổ danh là “kẻ thứ ba” với đủ những trò nghịch ngợm. Nhưng có một trò mà có lẽ học sinh ở nơi khác không biết. Trường chúng tôi học ngày ấy nằm khuất trong một vùng thưa dân, bên cạnh con đường dẫn vào các nông trường mía, cách quốc lộ 20 khoảng hai cây số. Xin mở ngoặc nói thêm là quê tôi, xứ Định Quán – Đồng Nai, có Đá ba chồng nổi tiếng mà những ai đến Đà Lạt đều biết.
Vào cuối năm, chiều chiều, trước giờ tan trường một chút, hàng đoàn xe tải chở mía từ các nông trường trong Cao Cang về Nhà máy đường La Ngà – nhà máy này nằm ngay bên dòng sông La Ngà, nơi có chiếc cầu La Ngà nổi tiếng từ những năm kháng Pháp, và làng bè nổi khá nên thơ. Nhân lúc ra chơi hoặc giờ tan trường, bọn con trai thường chờ xe mía đi ngang trường – thường phải chạy chậm lại – là nhảy lên rút mía. Không phải bào chữa nhưng quả thật đây là một trò chơi hơn là một hành động… ăn cắp. Vì mía đường cứng, ít nước, chẳng phải là thứ khoái khẩu. Chúng tôi làm thế chẳng qua để cho vui chơi, để… thỏa mãn sự nghịch ngợm của mình và đôi khi cũng để… lấy le với đám con gái thường vừa thấy xe chạy tới là đã dạt qua một bên. Mỗi xe chạy ngang là có một tốp đu phía sau để rút mía rồi nhảy xuống, hoặc đứng dưới đất mà dùng sức kéo ngược lại. Hết xe này đến xe khác, hết tốp này đến tốp khác. Mỗi đứa một khúc, rồi chia nhau ăn. Rác xả đầy đường.
Rút trộm mía vui lắm. Có đứa rút dễ dàng, có đứa dùng hết sức bình sinh cũng không rút được cây nào vì nhằm mía chèn chặt quá. Rút được cây mía, hai bàn tay đã đen nhẻm vì bụi đất và tro đốt lá. Có đứa rút được cây mía là té lăn ra. Có đứa trầy tay chảy máu. Cũng có đứa bị mấy anh phụ xe la rầy nhưng hầu hết đều… làm thinh. Tất nhiên là tất cả đều phải né thầy hiệu trưởng nhóm ngó, nếu thấy bóng dáng thầy là mạnh ai nấy phi tang, lảng nhanh chỗ khác. Dù vậy, đứa nào cũng vui, kể cả những đứa nhút nhát không dám tham gia cái trò vui nhộn này!
Nhưng vui nhất là những đứa nhà ở trong Cao Cang. Trong ấy, đất xấu, bạc màu, nên chủ yếu để trồng mía. Các loại cây khác như khoai mì, điều… đều không phát triển tốt. Nhà có ít rẫy cũng trồng mía. Nhà không có rẫy thì nhận khoán của nông trường để trồng. Mía trồng một lần thu hoạch đến mấy năm nói chung không tốn công lắm. Vì vậy nhà nhà trồng mía, người người làm mía. Mấy năm mía có giá, xe vào chở tấp nập. Bọn bạn bè tôi đứa nào vừa mới tan trường cũng ù té về nhà phụ gia đình chặt mía, dọn rẫy. Không khí khẩn trương, nấp nập lắm. Nhà bán mía, bọn chúng có thêm tiền ăn quà, thường rủ chúng tôi đi… uống nước mía hoặc chơi trò bắn súng ăn kẹo kéo. Nhiều gia đình đổi đời bằng hương vị ngọt ngào của mía. Con cái được đi học đại học. Nhà cửa được xây mới khang trang. Có người sắm được “giấc mơ hai”, mốt thời thượng ngày ấy. Có người trở thành tỉ phú mía nhờ hàng chục hecta trúng mùa. Cây mía ngày ấy ngọt ngào lắm, gần gũi lắm.
Những mùa mía ấy, ai cũng vui.
***
Chúng tôi ra trường. Mỗi đứa đi mỗi ngả, theo con đường riêng của mình. Nhiều đứa vào đại học, có đứa đi nước ngoài, có đứa lập gia đình làm ăn riêng, có đứa đi bộ đội, có đứa học sĩ quan… Bạn bè tản mác khắp nơi. Nhưng nhiều gia đình ở Cao Cang vẫn trồng mía. Cây mía hầu như có địa vị không thể thay đổi trong cuộc sống gia đình họ. Cây mía là bạn với họ, là người thân của họ. Hàng ngàn con người sống nhờ mía. Có năm, voi dữ từ rừng Tánh Linh
(1) về tràn qua vùng Cao Cang ăn mía, phá rẫy, giết người, có người chết, có người phải… đội cái chảo lên đầu ngụy trang mới thoát khỏi bàn chân của các “Ông Tượng”. Dù vậy người ta vẫn không bỏ mía.
Tôi chắc rằng, lũ học trò đàn em chúng tôi nhiều đứa lại tiếp tục với các trò rút mía tinh nghịch của bọn tôi ngày nào.
Nhưng rồi gió đổi chiều. Giống mía cũ không đổi mới nên năng suất ngày càng thấp. Giá đường thị trường ngày càng rẻ. Khắp nơi trong nước trước đó người ta đổ xô mở nhà máy đường giờ dở cười dở khóc. Vùng Cao Cang bé nhỏ của chúng tôi cũng thế. Có những rẫy mía để cỏ dại mọc lẫn vào bịt bùng. Có rẫy bị bắt lửa cháy trụi, chỉ còn những thân mía héo hon khẳng khiu. Nhiều rẫy bỏ hoang. Nhiều nhà trả đất lại cho nông trường. Con đường cát trắng dẫn vào Cao Cang ngày nào bạt ngàn một màu xanh thẫm giờ hun hút, tẻ đến lạnh người. Báo chí nói nhiều đến những mùa mía đắng, mía mặn. Quê tôi chỉ còn Đá ba chồng là không thay đổi, còn lại tất cả đều đã đổi thay.
Những năm ấy ai cũng buồn vì mía.
Người ta lại lục tục tìm những thứ cây trồng mới. Mía lại có giá. Vài người buồn chán không biết trồng cây gì, vất rẫy cho mía giữ cỏ giờ bỗng khá lại. Nhưng số đông tỏ ra nuối tiếc. Có người lại trồng mía mới, giống mới, kỹ thuật mới. Có người hoài nghi. Mía giờ trở thành một ẩn số.
***
Tôi ra đời, có dịp đi nhiều nơi, biết nhiều cảnh mía ngọt mía đắng và cũng biết có nhiều người ngao ngán vì mía. Không riêng gì loài cây cho đường vốn ngọt ngào này. Đến vùng cà phê, loài cây cho trái vốn đắng này cũng có lúc rất ngọt, rồi cũng có lúc đắng ngắt không đường nào làm dịu được. Cây điều, cây tiêu, cây khoai mì… không riêng gì ở Đồng Nai quê tôi mà ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đăklăk… cũng thế. Điệp khúc lên – xuống (giá), trồng – chặt (cây) hát đi hát lại mãi, không biết chán.
Mới rồi, tôi về lại Cao Cang thăm vài người bạn. Mía lại xanh nhưng không còn bạt ngàn như xưa. Người ta đã dần thích nghi với sự thất thường của thị trường nên trồng đủ thứ, mỗi cây một ít. Gần đây, tôi nghe loáng thoáng hình đã ngọt lại một vài vụ rồi. Hy vọng mía sẽ ngọt tiếp. Nhưng hình như mùa mía không còn vui như xưa, không phải chỉ chuyện giá cả mà còn vì lũ đàn em học ở trường cũ chẳng thể nào chơi trò rút mía được nữa.
Ở trường xưa, tôi thấy các thầy giám thị canh cửa cẩn thận lắm!

(1) Đàn voi này năm 2001 được dời về Vườn quốc gia Yok Đôn – Đăklak.
Bài đã đăng trên Thanh niên chủ nhật, ngày 19.1.2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét